“Không quốc gia nào tụt hậu về AI mà phát triển được”

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 04:32, 12/12/2023

Giờ đây, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành hạ tầng mới - làn sóng mới, là cơ hội phi thường cho Việt Nam và là điều Việt Nam buộc phải làm, bởi không một quốc gia nào bị tụt lại phía sau về AI mà có thể phát triển được".

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang nhấn mạnh tại tọa đàm "Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam", do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) tổ chức, diễn ra ngày 11.12 tại NIC cơ sở Hòa Lạc.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội nghìn năm có một”

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang cho rằng, chúng ta đang trải qua giai đoạn cực quan trọng của ngành công nghệ, và đang đứng trước một làn sóng có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay. Đó chính là AI.

“Giờ đây, AI có thể trở thành hạ tầng mới cho xã hội và các ngành nghề. Hạ tầng mới này là một làn sóng mới, là cơ hội phi thường cho Việt Nam và là điều Việt Nam buộc phải làm, bởi không một quốc gia nào bị tụt lại phía sau về AI mà có thể phát triển được”, ông Jensen Huang phát biểu.

“Không một quốc gia nào tụt hậu về AI mà phát triển được” -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nghìn năm có một để phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thế giới hiện thay đổi rất nhanh, đặc biệt là với làn sóng AI, mà nếu chúng ta chậm một nhịp thì chắc không bao giờ có lại cơ hội đó. Vì thế, có thể nói đây chính là “cơ hội nghìn năm có một cho Việt Nam” và đòi hỏi Việt Nam phải hành động thật nhanh để đón được làn sóng mới này.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư.Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa” giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ sớm ban hành trong đầu năm 2024. Theo đó, mục tiêu đào tạo được ít nhất 50 nghìn kỹ sư cho ngành đến năm 2030, trong đó dự kiến có 15 nghìn kỹ sư chất lượng cao trong thiết kế vi mạch.

Việt Nam cũng đã thành lập NIC cùng với 3 khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Hiện, Việt Nam đã và đang là địa điểm được lựa chọn của nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Không một quốc gia nào tụt hậu về AI mà phát triển được” -0
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang phát biểu

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nghiên cứu, phát triển AI từ nhiều năm nay và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT - CEO MoMo, chia sẻ, MoMo đầu tư vào AI từ 2016 và có đội ngũ kỹ sư AI khoảng gần 200 chuyên gia. Nhờ ứng dụng AI, MoMo cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ khách hàng tiếp cận các khoản vay với thời gian nhanh gấp 10 - 30 lần so với phương thức truyền thống với tỷ lệ phê duyệt cao gấp đôi.

Bên cạnh đó, AI cũng là “chìa khoá” để MoMo tối ưu hóa trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ tài chính thông qua các tính năng như eKYC (định danh trực tuyến) và ChatBot. Cụ thể, với eKYC của MoMo, mỗi người dùng chỉ mất từ 2 - 3 phút để hoàn thành quá trình mở tài khoản ngân hàng ngay trên MoMo một cách dễ dàng và đơn giản, qua đó giúp các đối tác ngân hàng tiết kiệm 50% chi phí mở tài khoản theo cách truyền thống…

Phải xây dựng được hạ tầng AI

Nhìn nhận về sự chuẩn bị của Việt Nam cho làn sóng mới này, Chủ tịch NVIDIA cho rằng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là về nhân lực.

Theo đó, Việt Nam có đội ngũ kỹ sư về lĩnh vực phần mềm không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài, với kỹ năng rất sâu để có thể tạo ra thế hệ phần mềm mới, mà AI chính là phần mềm. “Nhân lực chính là tài nguyên và Việt Nam đang sở hữu được tài nguyên này”, Chủ tịch NVIDIA nhấn mạnh.

“Không một quốc gia nào tụt hậu về AI mà phát triển được” -0
Quang cảnh tọa đàm

Ông Jensen Huang dự báo, với vị thế là quốc gia xuất khẩu phần mềm trong nhóm lớn nhất thế giới, Việt Nam cần khoảng 1 triệu chuyên gia về AI và sẽ trở thành lực lượng hùng hậu trên thế giới. Do đó, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa kỹ năng cho nguồn nhân lực. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư của Việt Nam”, ông nói.

Theo đó, NVIDIA muốn thiết lập và xây dựng trung tâm thiết kế tại Việt Nam. Khi có trung tâm này sẽ thu hút được các nhà khoa học máy tính, chuyên gia ở mảng AI và chip của Việt Nam trên thế giới trở về.

Cũng theo ông Jensen Huang, giống như việc xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tới đây, Việt Nam buộc phải có hạ tầng về AI. Trong tương lai, Việt Nam cần có hạ tầng siêu máy tính, phục vụ ngành sản xuất, chế tạo, lấy dữ liệu thô đầu vào, xử lý dữ liệu, sau đó phân tích, số hóa.

Nhấn mạnh ngày nay, chip và AI là hai ngành mang tính sống còn cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, Chủ tịch NVIDIA lưu ý, Việt Nam cần phải hành động nhanh nhất có thể để tận dụng làn sóng mới này, và NVIDIA “hoàn toàn ở vị thế phù hợp để hợp tác với Việt Nam”.

“Thực tế, Việt Nam đã là đối tác của chúng tôi, khi có nhiều khách hàng ở đây. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa các đối tác đã có sẵn, như Viettel, Vingroup… Chúng tôi sẽ đóng góp tích cực vào một AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi sẽ cam kết hết sức mình để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của chúng tôi, và chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở đây”, Chủ tịch NVIDIA cam kết.

“Hiến kế” cho hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA, ông Nguyễn Mạnh Tường đề xuất, về phía Chính phủ, cần có các chính sách ưu đãi như giảm chi phí đầu tư thông qua các gói vay ưu đãi, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị và dịch vụ phục vụ cho AI, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia AI.

“Không một quốc gia nào tụt hậu về AI mà phát triển được” -0
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT - CEO MoMo đề nghị cần có chính sách ưu đãi cho AI

Ở tầm quốc gia, khi Chính phủ đầu tư mua công nghệ từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NVIDIA và có chính sách chia sẻ ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng AI dài hạn, sẽ giúp nâng cao dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, góp phần vào thúc đẩy chuyển đổi số và sự phát triển toàn diện của nền kinh tế quốc gia, Phó Chủ tịch HĐQT - CEO MoMo tin tưởng.

Về phía NVIDIA, đại diện doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ hy vọng sẽ có ưu đãi đặc biệt cho thị trường Việt Nam, giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt tiếp cận các sản phẩm và giải pháp AI của NVIDIA dễ dàng, từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ tài chính tối ưu nhất cho người dùng Việt.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn, NVIDIA cần tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo dành cho các công ty Fintech, các nhân sự công nghệ tại Việt Nam để nắm bắt và áp dụng hiệu quả các công nghệ mới.

Thiên An