Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần có cơ chế đặc thù, đột phá
Multimedia - Ngày đăng : 06:34, 29/11/2023
“Ông có đề cập tới việc thị trường khoa học và công nghệ bị “nghẽn” bởi các quy định. Ông có thể phân tích cụ thể về một số điểm nghẽn, vướng mắc đang ảnh hưởng đến hoạt động khoa học và công nghệ?
Thứ nhất, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, trao quyền cho tổ chức chủ trì được đi đăng ký sáng chế, đứng tên văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa có giải pháp cho sử dụng, thương mại hóa, chuyển giao, phân chia lợi ích giữa các bên khi thương mại hóa.
Thứ hai, mặc dù Luật Doanh nghiệp có quy định cho phép được góp vốn bằng tài sản trí tuệ, bằng công nghệ để hình thành doanh nghiệp, nhưng thông tư, nghị định triển khai không hướng dẫn cụ thể. Vì thế, nhà khoa học không thể mang tài sản đó góp vốn đăng ký kinh doanh, không thể hình thành doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc tài sản trí tuệ (doanh nghiệp Spin-off).
Tôi cho rằng một trong những “con đường” rất quan trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu tài sản trí tuệ, chuyển hóa vào sản xuất là góp vốn hình thành doanh nghiệp bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, nhưng con đường này đã bị “nghẽn” không thực hiện được.
Thứ ba, vước mắc trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 70 đã quy tất cả kết quả nghiên cứu thành tài sản. Mặt khác, quy định đi ngược với bản chất hàng hóa khoa học công nghệ là tri thức ẩn và gắn với người tạo ra nó.
Thứ tư, Luật Ngân sách nhà nước chưa khuyến khích tổ chức khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách có hiệu quả. Hiện trạng là tổ chức nào chuyển giao được kết quả nghiên cứu thì kinh phí thu được từ hoạt động chuyển giao đó được trừ vào kinh phí cấp cho năm tiếp theo. Trong khi đó, ở các nước khác, nếu tổ chức khoa học và công nghệ không chuyển giao được kết quả nghiên cứu thì năm sau, nguồn ngân sách cấp sẽ giảm dần. Những đơn vị làm tốt, cứ tạo ra 1 đồng sẽ cho thêm 1 đồng để khuyến khích tiêu tiền ngân sách có hiệu quả và làm ra giá trị cho xã hội.
Thứ năm, Luật Viên chức và Luật Phòng chống tham nhũng không cho phép viên chức được tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp spin-off từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
Trong khi đó ở nước ta hiện nay, Nhà nước chỉ tài trợ kinh phí giai đoạn nghiên cứu và phát triển công nghệ trong phòng thí nghiệm (pilot). Sau nghiên cứu, để công nghệ từ quy mô phòng thí nghiệm áp dụng được vào quy mô công nghiệp là một chặng đường dài, nhiều rủi ro và tốn kém chi phí.
Vì vậy, ở các quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam với nguồn ngân sách, kinh phí hạn hẹp đã áp dụng chính sách khuyến khích các nhà khoa học kết hợp với nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp sản xuất, quỹ đầu tư để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu.
Các tập đoàn sản xuất, nhà đầu tư kết hợp với nhà trường thành lập doanh nghiệp cổ phần, trong đó nhà trường góp bằng kết quả nghiên cứu, cho phép sử dụng phòng thí nghiệm, nhà đầu tư góp vốn thử nghiệm công nghệ và các chi phí vận hành, các bên cùng nhau nâng cấp công nghệ từ kết quả nghiên cứu sang quy mô công nghiệp. Sau khi ươm tạo doanh nghiệp từ 3 - 5 năm, nhà khoa học sẽ bán doanh nghiệp, chuyển giao cho các tập đoàn”.
Trước thực tế vướng mắc, chúng ta đã có những giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này, thưa ông?
Để tháo gỡ vấn đề này, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trong phiên thảo luận về lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, vấn đề đặt hàng hoặc đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh, quyết toán các khoản chi về khoa học, công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngày 30/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 690/TTg-KGVX yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, vấn đề đặt hàng hoặc đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh, quyết toán các khoản chi về khoa học, công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Cùng với đó, nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách tài chính, quy định liên quan để tiệm cận với các quy định quốc tế như tôn trọng tính mạo hiểm, tính rủi ro của khoa học và công nghệ…
Theo ông, sự đột phá được hiểu ở những khía cạnh nào để tháo gỡ vướng mắc, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực cho phát triển?
Khi có những cơ chế chính sách đột phá sẽ góp phần thay đổi bức tranh khoa học và công nghệ. Vấn đề là chúng ta phải xử lý, phải gỡ từng chính sách.
Thứ nhất, Luật Quản lý tài sản công cần quan niệm các kết quả nghiên cứu là sản phẩm chứ không phải là tài sản. Nếu coi kết quả nghiên cứu đa phần là tài sản công sẽ gây cản trở quá trình thương mại hóa, gây thất thoát lãng phí lớn.
Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập cản trở khoa học và công nghệ phát triển, không chỉ Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách mà các Luật Viên chức, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… phải điều chỉnh một cách đồng bộ.
Ở nước ta, các đơn vị thực thi pháp luật theo luật chuyên ngành. Các vấn đề có thể được quy định trong Luật Khoa học và công nghệ nhưng nếu không có trong luật chuyên ngành cũng không thể thực hiện được. Hiện nay, một hành vi được quy định bởi nhiều luật; đồng thời, đang tồn tại thực tế ở luật này thì đúng nhưng sang luật khác lại sai và ngược lại.
Tại nhiều nước, quy định đầu tư cho khoa học và công nghệ là một chương trong Luật Khoa học và công nghệ. Các lĩnh vực khác cũng áp dụng như vậy chứ không chẻ vụn ra ở các luật khác nhau. Điều này dễ gây mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, vướng mắc trong thực thi, khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Ví dụ như triết lý phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc: chỉ khi nào nhà khoa học sống và làm giàu được bằng trí tuệ, sản phẩm khoa học, công nghệ do nhà khoa học tạo ra thì đất nước mới phát triển. Trung Quốc gắn vai trò, sứ mệnh của nhà khoa học với vận mệnh và sự hưng thịnh của quốc gia. Với tư duy chính sách như vậy, Nhà nước làm mọi cách để khuyến khích nhà khoa học sáng tạo và cống hiến.
Theo tôi, để tạo ra đột phá, đầu tiên là phải đột phá về mặt tư duy, về phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách.
Tiếp đó, cần thay đổi về phương thức xây dựng, ban hành chính sách. Có nhiều cái mới, thực tiễn Việt Nam chưa chín muồi, chưa rõ ràng nhưng cần áp dụng thì phải triển khai cơ chế thử nghiệm chính sách Sandbox. Các nước đã áp dụng Sandbox phổ biến trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là kiến tạo chính sách đột phá, vượt trội cho khoa học và công nghệ.
Theo tôi, chúng ta cần có công cụ chính sách điều tiết liên ngành. Muốn thúc đẩy thực hiện các mục tiêu này cần có biện pháp chính sách, công cụ pháp lý, tài chính và thuế. Ở Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã lập một Quỹ đổi mới công nghệ nhưng vướng mắc, khó thực hiện.
Để khoa học, công nghệ phát triển và trở thành động lực trực tiếp cho tăng trưởng, tôi cho rằng cần phải tư duy lại các bài toán kinh tế trong chính sách khoa học và công nghệ. Đây không phải câu chuyện của riêng ngành khoa học và công nghệ, mà là của quốc gia và các ngành phải phối hợp giải quyết.
Để khoa học và công nghệ phát triển, bên cạnh cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư là rất quan trọng. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ hiện nay?
Hiện nay, Quốc hội phân bổ ngân sách cho lĩnh vực khoa học và công nghệ là 2% tổng chi ngân sách, trong đó chia thành hai nguồn là chi đầu tư và chi sự nghiệp. Việc phân thành hai nguồn này khá tương đồng với quốc tế.
Nguồn ngân sách cho khoa học và công nghệ hiện nay là rất thấp. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam bằng 1/3 của Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore. Nguồn đầu tư đã thấp nhưng kinh phí hàng năm cấp thực tế chi tiêu triển khai còn thấp hơn nữa so với mức chi 2% ngân sách cho khoa học và công nghệ.
Việc triển khai thực tiễn được cấp phát hạn chế nên không tạo ra chuyển động thực sự, thiếu hụt các nguồn lực cho khoa học và công nghệ phát triển. Điều này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV ngày 7/6/2023.
Ngoài kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí cho sự nghiệp kinh tế và vốn tín dụng là nguồn lực quyết định để thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Chúng ta thiếu một khoảng trống trong lồng ghép các đề án công nghệ trong các đề án trọng điểm kinh tế.
Nếu không lồng ghép các đề án công nghệ trong các đề án kinh tế lớn thì không có được năng lực nội sinh công nghệ. Với dự án đầu tiên có thể chi phí sẽ lớn hơn và rủi ro nhưng khi thành công, chi phí từ các dự án sau sẽ thấp hơn, làm chủ công nghệ và không phụ thuộc vào nước ngoài. Đây chính là bài toán tư duy kinh tế và sự chấp nhận rủi ro trong khoa học.
Đối với tín dụng, nếu muốn kích cầu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ cần phải giải pháp cụ thể, có chính sách vốn, tín dụng để thúc đẩy chuyển đổi, kích cầu công nghệ. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho đổi mới công nghệ chỉ là vốn mồi, còn lại cần có nguồn lực từ hệ thống tín dụng và các đầu tư từ xã hội.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách cho khoa học còn hạn hẹp, nếu các nhà khoa học kết hợp với nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp spin-off có ý nghĩa thế nào trong huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ, thưa ông?
Tôi cho rằng nếu khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu hình thành được doanh nghiệp khởi nguồn từ các kết quả nghiên cứu (spin off) và cải thiện thu nhập mức sống, thu nhập cho nhà nghiên cứu là mệnh đề kép tạo ra hiệu quả tổng thể rất lớn. Đây là con đường thuận lợi để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Điều này cũng giúp huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động R&D ở trường đại học, giảm áp lực cho ngân sách.
Theo thông lệ quốc tế và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, kết quả đầu ra của các dự án từ nguồn đầu tư sẽ hình thành tài sản đáp ứng đầy đủ tiêu chí về tài sản trong Luật Dân sự và các quy định về tài sản công. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp theo thông lệ quốc tế gọi là “tài trợ” theo cơ chế Nhà nước đặt hàng tuyển chọn đơn vị nghiên cứu.
Vì tính chất tài trợ cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là dòng chi “sự nghiệp” nên Nhà nước không phải là nhà “đầu tư”. Nhà nước giữ vai trò là cơ quan tài trợ nên sẽ không tính “cổ phần” trong kết quả nghiên cứu và đầu ra của nhiệm vụ khoa học, công nghệ là kết quả nghiên cứu ở các dạng I, II, III, IV, theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ.
Luật Khoa học và công nghệ không coi kết quả nghiên cứu là tài sản, vì thế khi thương mại hóa thành công, Nhà nước chỉ nhận phần phân chia lợi ích mang tính tượng trưng là 10% để tái bù đắp vào kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Luật Tài sản công đang quy các kết quả nghiên cứu thành tài sản có phần chưa đúng với bản chất của hoạt động khoa học, công nghệ và thông lệ quốc tế, gây khó cho hình thành doanh nghiệp spin-off.
Không những thế, việc thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp spin- off còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là con đường nhanh nhất giúp các nước nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường. Sinh viên tham gia dự án sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các tập đoàn.
Phát triển doanh nghiệp spin-off là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa chuyển giao nhanh công nghệ vào sản xuất, vừa huy động được nguồn lực xã hội đầu tư, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo…Với giá trị như vậy, các nước coi kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tài trợ cho nhiệm vụ nghiên cứu là quà tặng, là vốn mồi, không coi đó là tiền đầu tư.
Đây cũng là lý do nhiều nước triển khai đầu tư mạo hiểm cho khoa học và công nghệ. Trong 100 dự án, nếu 99 dự án thất bại, chỉ một dự án thành công, giá trị đem lại đủ lớn vẫn coi là thành công.
Trong nghiên cứu khoa học và công nghệ không thể tính, đếm cụ thể các yếu tố phải thành công mà chỉ tính giá trị tổng thể hoạt động nghiên cứu mang lại.
Tôi cho rằng, nếu tư duy đúng phải là quản lý theo giá trị tổng thể, đặt ra mục tiêu tổng thể và tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm. Nếu tư duy tất cả các dự án nghiên cứu khoa học phải thành công là trái với bản chất và sai về cách tiếp cận, triết lý phát triển, sẽ kéo theo các quy định mang tính hành chính hóa phía sau.
Nên chăng, đã đến lúc đất nước ta cần một “Khoán 10” cho ngành khoa học với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội đột phá hơn.
Đây có phải là vấn đề cốt lõi được Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, ban hành các cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo?
Tôi cho rằng yếu tố quan trọng trong quản lý kinh phí cho nghiên cứu khoa học không chỉ chấp nhận rủi ro mà phải tôn trọng quy luật phát triển. Ngoài tuân thủ các quy luật cung- cầu, giá cả, giá trị, hệ thống khoa học và công nghệ còn có quy luật phát triển riêng (là tri thức ẩn, gắn với chủ thể tạo ra tri thức). Những quy luật này cần được tôn trọng khi xây dựng văn bản chính sách mới có thể thúc đẩy phát triển.
Bản chất rủi ro ở các lĩnh vực khác là sự cố, hành động không tuân thủ quy trình, quy định, nhưng trong kinh tế học công nghệ thì rủi ro là quy luật. Bản chất của hoạt động khoa học và công nghệ là tìm hiểu, khám phá, các quy luật bản chất, hiện tượng, những thứ chưa biết nên có thể thành công hoặc thất bại. Điều này phản ánh quy luật khách quan của hoạt động nghiên cứu phát triển, có yếu tố rủi ro và có độ trễ.
Với một thị trường non trẻ, đang hình thành thì không thể xây dựng văn bản pháp lý cho các chủ thể và đối tượng đang hình thành. Kinh nghiệm quốc tế thường không xây dựng văn bản quản lý với đối tượng đang hình thành mà để phát triển, sau đó mới siết lại.
Tôn trọng quy luật và chấp nhận yếu tố rủi ro nhưng cũng cần có giải pháp kiểm soát mức độ rủi ro để không lạm dụng làm thất thoát đầu tư nhà nước, thưa ông?
Đây là vấn đề cần phải đặt ra. Các nước có cơ chế đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cũng có cơ chế để quản lý chứ không hề thả lỏng toàn bộ. Trước hết các nước dùng hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kiểm tra khi có dấu hiệu nghi vấn và chỉ tập trung xử lý những dự án không thành công.
Thứ hai, các nước cũng áp dụng cơ chế tương tự như khoán, tức là khi xét duyệt một nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, cũng yêu cầu phải dự toán và báo cáo giải trình chi tiết các nội dung chi, định mức chi và phương thức chi giống như Việt Nam đang làm. Nhưng sau khi giải trình Hội đồng thông qua, khi kiểm tra và nghiệm thu chỉ hỏi kết quả, không hỏi quá trình làm, chi tiêu thế nào.
Tuy nhiên, qua giám sát, nếu dự án không thành công sẽ thanh tra, kiểm toán vào kiểm tra từng khâu, từng đồng và thu hồi, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, xử lý triệt để.
Việc áp dụng giải pháp này vừa tạo môi trường thông thoáng cho nhà khoa học, và giải quyết được bài toán: “không để chứng từ hồ sơ cao hơn đầu nhà khoa học”. Đây là một thực trạng nhức nhối dẫn đến việc nhà khoa học phải biến báo và thời gian làm khoa học thì ít mà làm hồ sơ chứng từ thì nhiều.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đặc biệt các chỉ đạo gần đây của Quốc hội, Chính phủ, tôi tin các vướng mắc sẽ từng bước được tháo gỡ thông qua các cơ chế thí điểm chính sách, điều chỉnh chính sách. Các chính sách đang được điều chỉnh sẽ tạo động lực mới cho nhà khoa học, tạo ra chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu phát triển.