Chân dung “ông lớn” Marvell của Mỹ sắp mở trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới ở Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 04:43, 21/09/2023

Marvell Techonology Group - tập đoàn công nghệ của Mỹ công bố mở trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới ở Việt Nam - có giá trị vốn hóa thị trường hơn 48 tỷ USD, từng thâu tóm một loạt công ty lớn, nhỏ để thành tên tuổi trong ngành bán dẫn...

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên đã thảo luận về nhiều hợp tác có chiều sâu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, nhiều tập đoàn về bán dẫn của Mỹ mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trong đó, công ty Marvell có trụ sở tại California công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 5 năm nay, tập đoàn này cũng đã thông báo sẽ thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trở thành nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất.

Thực tế, Marvell đã xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 2010. Các công bố mới nhất cho thấy quyết tâm đầu tư mạnh tay ở thị trường này của “ông lớn” trong ngành bán dẫn.

VƯƠN LÊN TOP ĐẦU TOÀN CẦU SAU GẦN 30 NĂM

Có tuổi đời 28 năm, Marvell hiện là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, lọt top 25 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty rơi vào khoảng 48,18 tỷ USD, theo Business Insider.

Công ty ra đời vào năm 1995, do Sehat Sutardja - một doanh nhân người Indonesia gốc Hoa tại Mỹ thành lập cùng vợ và anh trai. Đến tháng 4/2016, Giám đốc điều hành Sehat Sutardja và Chủ tịch Weili Dai bị cách chức sau khi nhà đầu tư hoạt động quỹ Starboard Value nắm giữ khoảng 7% cổ phần của công ty.

Đến tháng 7 cùng năm, Marvell bổ nhiệm Matt Murphy làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành mới.

Ở thời kỳ đầu, công ty tập trung vào thiết kế các kênh đọc dựa trên nền CMOS cho các ổ đĩa. Khách hàng đầu tiên của họ là Seagate, một trong những nhà sản xuất ổ cứng lớn trên toàn cầu.

Mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là “Fabless”, nghĩa là thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công chip. Marvell không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ 3 đảm nhiệm như TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC.

Năm 2000, công ty chính thức đưa cổ phiếu của mình lên giao dịch trên sàn chứng khoán, thu về 90 triệu USD với mức giá cho mỗi cổ phần là 15 USD.

Sau gần 3 thập kỷ phát triển, danh mục sản phẩm của Marvell đã mở rộng ra nhiều mảng khác, trong đó hiện tập trung vào hai mảng chủ đạo là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Hoạt động kinh doanh của công ty được phân chia thành 5 nhánh, bao gồm trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng mạng, mạng doanh nghiệp, người tiêu dùng và ôtô/công nghiệp.

Công ty cung cấp các thiết bị hệ thống trên một vi mạch (System-on-a-Chip), tận dụng danh mục công nghệ sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực xử lý tín hiệu cũng như các mạch tích hợp. Marvell cũng phát triển các nền tảng phần cứng tích hợp cùng với phần mềm kết hợp các công nghệ điện toán kỹ thuật số được thiết kế và cấu hình để cung cấp giải pháp điện toán tối ưu.

Về kết quả kinh doanh, Marvell đạt doanh thu 5,92 tỷ USD trong năm tài chính 2023, tăng 33% so với năm 2022, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chỉ 3% của ngành chip, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA).

Giám đốc điều hành Murphy cho biết doanh thu từ các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm Amazon Web Services (AWS) của Amazon, một khách hàng hàng đầu của Marvell, đã tăng khoảng 50%.

Doanh thu hàng năm từ cơ sở hạ tầng mạng 5G vượt mốc 600 triệu USD và ôtô (được điều khiển bởi hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến) đã vượt 200 triệu USD.

Trước đó, trong năm tài chính 2022, phân khúc lớn nhất của Marvell là trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 40% doanh thu của công ty, tiếp theo là mạng doanh nghiệp (20%), cơ sở hạ tầng nhà cung cấp dịch vụ (18%), người tiêu dùng (16%) và ô tô/công nghiệp (6%).

Trong quá trình kinh doanh, Marvell đã sáp nhập gần 20 công ty lớn nhỏ để trở thành người khổng lồ trong ngành, trong đó có 2 thương vụ gây chú ý nhiều nhất là mua lại Cavium, doanh nghiệp sản xuất bộ vi xử lý ARM với giá 6 tỷ USD (tháng 7/2018) và trả 8,2 tỷ USD vào tháng 4/2021 để mua lại Inphi, đơn vị chuyên về mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp.

HÀNH TRÌNH Ở VIỆT NAM

Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động kể từ năm 2013. Sau 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt, công ty hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử.

Hiện có hai lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Với kế hoạch mở rộng hoạt động và thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam, Marvell Việt Nam đang tăng tốc tuyển dụng.

Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở TP.HCM, bao gồm Etown (quận Tân Bình) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Theo đánh giá của Marvell, trong 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án.

Chip in hình logo của Marvell.
Chip in hình logo của Marvell.

Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, Tập đoàn Marvell có khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại các khu vực trên thế giới.

Với việc thiết lập trung tâm R&D mới này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 3 trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel).

Tại thời điểm Marvell Technology công bố kế hoạch thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP.HCM hồi tháng 5/2023, TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp Marvell, cho biết Trung tâm Thiết kế Vi mạch này sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất, đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.

"Một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật, và đây là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch Marvell tại Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam", TS Lợi Nguyễn nhấn mạnh.

Trà My