‘Chữa bệnh thừa tiền’ trong hệ thống ngân hàng

Chính sách - Ngày đăng : 06:32, 18/09/2023

Ngày 15 vừa qua là lần thứ 2 trong tháng 9 này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú đề cập tới tình trạng ‘thừa tiền” trong hệ thống ngân hàng tại một hội nghị lớn.
Chú thích ảnh
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào chiều 15/9 tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Lần đầu tiên là vào ngày 7/9, tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì. Khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng trong tình trạng tồn kho tiền và toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền”. Lần thứ hai là tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào chiều 15/9. Khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú còn nhấn mạnh rằng “nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền, thì NHNN cũng không ‘cứu’ được”.

Dẫn số liệu, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm đến ngày 29/8, tín dụng cho nền kinh tế vào khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức đạt được của cùng kỳ năm 2022 (tăng 9,87%). Nếu so với chỉ tiêu tín dụng năm 2023 (khoảng 14%), trong 4 tháng cuối năm, toàn hệ thống hiện còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn, dẫn tới việc “thừa tiền”.

Thực trạng này rất đáng lưu ý bởi nó diễn ra trong bối cảnh lãi suất ngày một giảm và NHNN nỗ lực tăng cường tín dụng cho nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 tới nay, NHNH đã giảm 4 lần liên tục lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Ngày 14/8 vừa qua, NHNN thậm chí đã phát đi văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm tiếp lãi suất cho vay tối thiểu là 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước đó vào ngày 10/7, NHNN còn đưa quyết định hiếm thấy là giao hết hạn mức tăng trưởng còn lại của năm 2023 cho các tổ chức tín dụng ngay từ giữa năm, thay vì chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm như những năm gần đây.

Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, sự trái ngược đã xuất hiện. Vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng tắc nghẽn vốn và áp lực thanh khoản dẫn đến cuộc đua lãi suất tiền gửi quyết liệt, đẩy lãi suất cho vay lên cao. Còn bây giờ, lãi suất ngày càng giảm, dự địa tăng trưởng tín dụng cũng còn rất nhiều, nhưng ngân hàng lại đang dư thừa vốn. Nói cách khác là ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Nguyên nhân, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, là do doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".

Quả thực, giảm lãi suất mới chỉ là mới mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn là năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp như thế nào. Với kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, tại nhiều cuộc hội thảo gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, đều nhấn mạnh đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm và không nên hi vọng vào đầu tư tư nhân vào thời điểm này bởi họ không có động lực. Tạm thời chưa nói tới rào cản từ môi trường kinh doanh (giảm số lượng thủ tục, nhưng lại tăng việc dẫn chiếu từ văn bản này sang văn bản khác, khiến điều kiện kinh doanh thực chất là tăng lên), nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh đến từ sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố hôm 15/9 đã cho thấy rõ điều này. So với cùng kỳ năm ngoái, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD). Xuất khẩu giảm cho thấy cầu bên ngoài cũng giảm. Do nguyên liệu sản xuất chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, cho nên, kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn chứng tỏ khu vực doanh nghiệp rất khó khăn, vì không có đầu ra nên họ không có nhu cầu nhập khẩu đầu vào. Nói cách khác là cầu trong nước cũng giảm.

Như vậy, vấn đề trước mắt là phải gỡ khó cho doanh nghiệp về thị trường để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, từ đó mới có nhu cầu vay vốn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thị trường và hợp tác chiến lược với các nước, khai thác tối đa những thuận lợi từ các FTA đã ký kết…. Bên cạnh đó, trong khi tăng trưởng nước ta vẫn dựa vào đầu tư mà khu vực tư nhân lại đang thiếu động lực thì cần phải dựa nhiều hơn vào đầu tư công. Cần lấy đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu đi lên thông qua các hoạt động như mua tạm trữ, tiêu thụ hàng tồn kho, nhanh chóng triển khai các dự án phát triển…

Chú thích ảnh
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Bên cạnh đó, phải thấy rằng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, các ngân hàng đều phải dựa trên một bộ tiêu chuẩn nhất định mới cho vay. Trong trường hợp hồ sơ vay dưới chuẩn thì ngay cả khi ngân hàng rất muốn cho vay cũng phải thận trọng, bởi họ không thể vì đẩy nhanh tín dụng mà cho vay dễ dãi để sau này phải xử lý hệ lụy gây ra cho chính ngân hàng mình lẫn đối với an toàn của hệ thống. Cho nên, ở đây, việc phát huy vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Điều này càng có ý nghĩa thiết thực đối với nền kinh tế khi doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Đương nhiên, để “chữa bệnh thừa tiền”, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Từ ngày 1/9, Thông tư 06/TT-NHNH có hiệu lực, theo đó, các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay trả nợ khoản vay tại các tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chính sách này được nhìn nhận là sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường lôi kéo khách hàng vay vốn của nhau trong thời gian tới để ngân hàng có thể tự chữa trị “căn bệnh thừa tiền” của mình.

Nói tóm lại, để “chữa bệnh thừa tiền” trong ngân hàng cần có sự tháo gỡ từ cả phía ngân hàng lẫn sự hợp lực của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy tổng cầu, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Và chỉ khi doanh nghiệp được vực dậy, sống khoẻ thì ngân hàng mới có điều kiện mở rộng khách hàng và nền kinh tế mới thoát dần khỏi khó khăn.

Hà Ngọc/Báo Tin tức