Việt Nam cần làm gì để “hấp thụ” 240 tỷ USD vốn FDI rót vào hydrogen?

Tin tức - Ngày đăng : 13:41, 14/09/2023

Muốn chuyển đổi năng lượng, yêu cầu trước tiên là phải có nhiều đổi mới về quy định pháp luật, thể chế chính sách để cụ thể hoá việc chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh ở Việt Nam.

TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nhấn mạnh cuộc tọa đàm khoa học “Năng lượng mới Hydrogen, Amonia xanh - Xu hướng toàn cầu và triển vọng ngành kinh tế mới của Việt Nam”, do Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức ngày 12/9.

TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS).

TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS).

Theo TS. Trần Văn, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Còn trong Quy hoạch điện VIII cũng đã có những mục tiêu cụ thể đến năm 2045 Việt Nam phải chuyển đổi tới 70% các nguồn năng lượng hiện nay sang nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, 100 MW sang điện mặt trời và 120 MW là điện gió.

Hiện nay đang có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn được phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc về điện mặt trời, điện gió và cũng đã có sự đóng góp tích cực cho bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

“Tuy nhiên, muốn chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, yêu cầu trước tiên là phải có nhiều đổi mới về quy định pháp luật, thể chế chính sách để cụ thể thể hoá các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh ở Việt Nam”, TS. Trần Văn nhấn mạnh.

Cụ thể, TS. Trần Văn kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực thì cũng cần có những quy định cụ thể về năng lượng tái tạo. Cao hơn, các đại biểu Quốc hội cần có sáng kiến lập pháp về xây dựng luật năng lượng tái tạo, trong đó có quy định về phát triển Hydrogen, Amonia xanh.

“Nếu chúng ta có những chính sách tốt, ưu đãi cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính, đặc biệt là tài chính xanh cho năng lượng xanh thì đây sẽ là điều kiện cơ bản để các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tập trung đầu tư vào lĩnh vực này”, TS. Trần Văn nói.

Đánh giá về thách thức, TS. Trần Văn cho rằng đối với Việt Nam đây là một ngành kinh tế mới, ngành năng lượng mới phát triển từ con số 0, cho nên sẽ rất khác với những gì hiện nay chúng ta đang làm.

Việt Nam đã phát triển nguồn điện truyền thống nên đã có sẵn hệ thống truyền tải, phân phối. Còn đối với nguồn năng lượng mới, như các hệ thống tồn trữ, vận chuyển, sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ… để tiếp cận được thì cần phải có những chính sách “đặc biệt”.

Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực mới này, TS. Trần Văn kiến nghị trước tiên cần có sự thay đổi nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp đến nhà đầu tư về phát triển xanh, năng lượng xanh trên cơ sở đó mới có chiến lược đầu tư.

Trao đổi tại cuộc toạ đàm, ông Trần Hoàng Phụng, chuyên gia đến từ Tập đoàn năng lượng KBR (Hoa Kỳ) cho biết, lượng khí thải ròng bằng 0 không có nghĩa là hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu. Cùng với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sẽ có sự tăng trưởng nhanh chóng về nhiên liệu phát thải thấp (bao gồm năng lượng sinh học hiện đại rắn, lỏng và khí, nhiên liệu dựa trên hydro và hydro). Những loại nhiên liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải từ vận tải đường dài và phát thải từ quá trình sản xuất công nghiệp.

>>GreenYellow: Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam

>>Phát triển năng lượng xanh: Hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước

Toàn cảnh cuộc toạ đàm.

Toàn cảnh cuộc toạ đàm.

“Việt Nam có lợi thế với bờ biển trải dài hơn 3.000 km, và được đánh giá có tiềm năng nắng và gió để sản xuất năng lượng tái tạo. Việt Nam đang đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo”, ông Trần Hoàng Phụng bày tỏ.

Còn theo TS. Ngô Quốc Hào, Giám đốc hợp tác chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn năng lượng Neuman & Esser (CHLB Đức), hiện trên thế giới đã có 40 nước thiết lập chiến lược hydro quốc gia. Năm 2022, có 534 dự án sản xuất hydrogen quy mô lớn với tổng trị giá 240 tỷ USD đã được công bố trên toàn thế giới, tăng 49% so với năm 2021 (160 tỷ USD).

“Con số này dự báo còn tiếp tục tăng lên do trong bối cảnh biến động địa chính trị, nhiều quốc gia đang cố gắng đa dạng hóa và độc lập về nguồn năng lượng”, TS. Ngô Quốc Hào chia sẻ.

Với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và vị trí địa lý thuận lợi, TS. Ngô Quốc Hào nhận định Việt Nam có điều kiện tốt để phát triển nền kinh tế hydro. Hiện nay Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, trong đó tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời là rất lớn nhờ vị trí địa lý.

Trên thực tế, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy điện mặt trời và các trạm turbin gió ngoài khơi, tập trung ở khu vực Trung bộ và Nam bộ. Đây chính là các nguồn nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất hydro.

Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, lượng khí thải carbon trên thế giới đang ở mức gần 40 tỷ tấn/năm. Mục tiêu zero-carbon (lượng khí thải bằng 0) vào năm 2050 sẽ cần đến sự nỗ lực rất lớn của các quốc gia trong chuyển đổi năng lượng và áp dụng công nghệ giảm phát thải.

Một trong những giải pháp năng lượng mới đang được các quốc gia đầu tư phát triển là sản xuất hydrogen, amonia xanh. Đây là phương pháp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối… Hydro sạch có thể góp phần giảm tới 80 tỷ tấn CO2 vào năm 2050, phần lớn nhờ các ứng dụng trong công nghiệp và vận tải.

Từ khóa
  • năng lượng xanh
  • năng lượng sạch

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT |