Tài chính xanh: Cơ hội phát triển xanh

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 14:59, 27/08/2023

Bước vào thế kỷ 21, trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn tới môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng. Người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường. Các thị trường tài chính đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch này và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng.

Xu thế và thách thức…

Vào năm 2007, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) phát hành 600 triệu EUR trái phiếu xanh (TPX) đầu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo. Tiếp đó, năm 2008 và 2010 Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính Quốc tế IFC cũng phát hành TPX lãi suất cố định cho các nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Climate Bonds Initiative (CBI), đến năm 2023, khoảng 2.334 tỷ USD TPX đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 là 5.000 tỷ USD. TPX chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải... Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức và Hà Lan là 5 quốc gia phát hành nhiều TPX nhất. Bên cạnh TPX còn có các loại trái phiếu khí hậu, xã hội, môi trường, phát triển bền vững và trái phiếu các dự án bảo vệ thiên nhiên, xã hội và quản trị công (ESG).

Việt Nam dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo kịch bản mực nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam có thể bị mất 5% diện tích đất đai. Đặc biệt, hiện tượng xói lở ven sông, ven biển, sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường 10 năm (2012-2022), cho thấy tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL nhanh hơn gấp 3-10 lần so với nước biển dâng, làm ĐBSCL chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều chuyên gia về khí hậu cho rằng, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC, thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng 4,5% và 6,7%, cộng thêm các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và BĐKH, với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26. Vì vậy, Nhà nước đã xác định phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh. Hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng, sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững, cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn, cũng như khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.

Có lẽ nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) về tài chính xanh ở nước ta còn khá hạn chế. Chính sách, luật pháp chưa thực sự khuyến khích, ưu đãi phát triển tài chính xanh, các sản phẩm tài chính xanh chưa phong phú, chưa thật sự hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh... Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh là rất cần thiết, để dần chuyển từ nhận thức thành tự giác ưu tiên sử dụng các sản phẩm, công nghệ xanh.

Bảng 1. Trái phiếu xanh phát hành theo khu vực (tỷ USD)

1.jpg

Nguồn: https://www.climatebonds.net/m...

Bảng 2. Trái phiếu xanh theo tổ chức phát hành (tỷ USD)

2.jpg

Nguồn:https://www.climatebonds.net/m...

Bảng 3. Trái phiếu xanh theo lĩnh vực (tỷ USD)


2014
2015
2016
2017
2018
2019
2020
2021
2022
Năng lượng
18.3
23.7
33.2
53
53.7
85
104.8
200.9
158.3
Xây dựng
7.5
8.3
17.9
46.3
46.9
81.4
82.6
164.8
122.3
Vận tải
4.2
5.9
12.7
23.9
30.7
52.5
68.2
96.9
91.6
Nước
2.7
4
10.7
19.8
18.1
24.9
18.1
36.7
33.2
Chất thải
1.1
1.5
4.4
6.1
7.6
9.7
7.8
24.6
24
Sử dụng đất
1.5
0.6
1.7
5.3
7.3
8.9
15.5
30.9
26.5
Công nghiệp

0.7
0.1
0.2
0.8
1.7
0.9
7.7
4.1
ICT




0.1
1.6
1.5
5.2
6.2
Ngành khác
1.2
0.9
3.9
3.5
3.5
2.6
2.4
11.4
18.6

Nguồn:https://www.climatebonds.net/m...

Một số gợi ý chính sách

Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam tập trung vào 3 nhiệm vụ: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (2) Xanh hóa sản xuất; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

TPHCM với mục tiêu xây dựng thành TP tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động TPX của chính quyền địa phương, khuyến khích DN phát hành trái phiếu DN xanh phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Thí dụ, hướng tới mục tiêu TP không phát thải, TPHCM cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, kể cả phát hành TPX của chính quyền địa phương (để đầu tư một phần hay toàn bộ) cho các dự án gồm: (1) Năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp, nhà dân; hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch.

(2) Chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo, với mục tiêu trong 10 năm tăng gấp đôi mức độ chiếu sáng của TP, chiếu sáng nghệ thuật các công trình di sản, kiến trúc, lịch sử tiêu biểu, các cầu vượt sông Sài Gòn, dọc kênh rạch với hiệu ứng góp phần làm giảm tai nạn giao thông, tội phạm, phát triển du lịch, kinh tế đêm…

(3) Đốt rác phát điện từ 10.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày hiện nay, dự báo đạt 15.000 tấn vào năm 2030, thay vì chôn lấp như hiện nay, với sự hưởng ứng phân loại rác tại nguồn của người dân, nhất là khi TP đã cho chủ trương phát triển 240MW điện rác, đang xin bổ sung quy hoạch thêm 100MW đến năm 2030, và đang kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); các dự án thu hồi, xử lý nước thải sinh hoạt…

(4) Nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với BĐKH, mực nước biển dâng…

(5) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh: tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống xe buýt, tàu khách trên sông, taxi chạy điện hay pin hydro… cùng với hệ thống đường sắt nhẹ nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến metro chạy bằng pin hydro, phấn đấu sau 10-15 năm một nửa dân số TP đi lại bằng hệ thống vận tải hành khách công cộng; hệ thống đèn giao thông thông minh.

(6) Trong thiết kế, xây dựng các công trình dân dụng thông minh, thân thiện với môi trường, giảm khí thải nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng phù hợp với quy hoạch không gian mảng xanh, bố trí chức năng hạ tầng kỹ thuật trong công viên như không gian ngầm thương mại, bãi đậu xe, công viên có chức năng kết hợp hồ điều tiết để giảm ngập úng; khi xây dựng đại lộ chạy dọc sông Sài Gòn từ Tân Cảng đi Củ Chi, có thể làm công viên, cây xanh ven sông trong hành lang bảo vệ sông với đường đi bộ, đường chạy bộ dài và đẹp.

(7) Hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

(8) Sử dụng để trồng cây xanh đô thị, xây dựng công viên, phát triển rừng che phủ và cây xanh phân tán; các dự án bảo vệ đa dạng sinh học.

(9) Sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, mặt nước cho phát triển nông, thủy sản, phát triển đô thị, công nghiệp.

(10) Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình, trang thiết bị xử lý chất thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn, tái chế chất thải; di dời sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị.

(11) Phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường…

Để có thể triển khai rộng rãi tài chính xanh, TPHCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường TPX, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và DN, trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã được Quốc hội khóa 15 thông qua.

Tất nhiên, cần tham chiếu nhiều quy định của pháp luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… để mọi việc được hoạch định chặt chẽ nhất, hợp lý, hợp pháp, nhận được sự đồng tình cao của xã hội.

Riêng Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường mà TP có thể mạnh dạn vận dụng như đất đai, vốn, thuế, phí, trợ giá, trợ cước... với mức độ và phạm vi bảo đảm phù hợp với chính sách bảo vệ môi trường từng thời kỳ.

Trong bối cảnh đối với chi đầu tư, ngân sách trung ương chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước năm 2022, so với mức 40% cách đây 7 năm. Như vậy, chính sách phân cấp đã dành bình quân 80% đầu tư công được thực hiện qua các chính quyền địa phương giai đoạn 2017-2022 (Hình 1), sự chủ động của TPHCM là rất quan trọng.

TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay TPX do DN dự án phát hành. Trong đó, nhận thức của người dân, cộng đồng DN về phát triển xanh, chấp nhận cam kết đấu tranh bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, với BĐKH, tự giác mong muốn, chủ động tham gia, có ý nghĩa quyết định.

Các công trình dự án xanh xây dựng từ nguồn tài chính xanh sẽ mang lại lợi ích tối đa cho người dân, môi trường sống và kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu, lợi thế so sánh của TPHCM xanh trên phạm vi toàn cầu.

TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số