Lãi suất xấp xỉ 10%/năm, nhiều công ty chứng khoán hút tiền gửi đầu tư
Tin tức - Ngày đăng : 17:25, 11/08/2023
Lãi suất huy động khó giảm sâu thêm. |
Tiền gửi ngân hàng chảy bớt sang công ty chứng khoán
Vừa qua, một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ còn được hưởng lãi suất 6,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 3,3 - 4,1%/năm. Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất cao hơn khoảng 1 - 2%/năm tùy từng kỳ hạn, song tất cả các ngân hàng đều đã đưa lãi suất huy động về mức dưới 8%.
Lãi suất huy động thấp khiến nhiều người gửi tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có sản phẩm đầu tư tại các công ty chứng khoán dưới dạng hợp đồng cho vay.
Nếu gửi tiền đầu tư tại các công ty chứng khoán, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất khá cao. Đơn cử, với sản phẩm eInvest của VPBanks, khách hàng đầu tư 1 tháng lãi suất 7,1%/năm, 6 tháng 9%/năm và 12 tháng là 9,8%, thậm chí đầu tư chỉ 3 ngày cũng được hưởng lãi suất 5,3%/năm. Hay tại VNDirect, khách hàng có tiền nhàn rỗi tham gia gói hỗ trợ lãi suất D-Money của VNDirect, gửi tiền kỳ hạn 29 ngày được hưởng lãi suất 5,8%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất lên tới 7,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 8,5%/năm. Tại Công ty Chứng khoán PSI, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 7 ngày là 5%/năm, 1 tháng là 6%/năm, 6 tháng là 8,5%/năm và 12 tháng là 9,2%/năm…
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng nữa so với mức cuối quý II/2023.
Việc công ty chứng khoán nâng lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư là nhằm phục vụ nhu cầu vay margin tăng cao chóng mặt.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết - đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cho thấy, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường ở mức 143.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng 20,5% so với cuối quý I/2023. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 chỉ thấp hơn khoảng 41.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của VDSC, lợi suất của chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Đơn cử như vàng, về cơ bản không mang lại lợi nhuận kể từ đầu năm và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất cao trong suốt năm 2023 khiến giá vàng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm.
Lãi suất huy động khó giảm sâu thêm
Theo bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, khi các nền kinh tế trong ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Fed, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu năm 2023. Theo dự báo của HSBC, trong quý III/2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024.
Chung quan điểm, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm sâu thêm nữa, bởi khi đó sẽ làm chênh lệch lãi suất USD - VND bị âm sâu.
Thực tế, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang chững lại. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9 tới, để tránh làm tổn thương hơn nữa các nền kinh tế thành viên, vốn đang "vật lộn" để tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích HSCB cũng cảnh báo các nước ASEAN cần thận trọng với cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, chuyên gia HSBC lo ngại việc các ngân hàng Trung ương trong ASEAN cắt giảm lãi suất sớm, tự tách khỏi lộ trình của Fed có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn.
Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, có lẽ chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. Một điểm cần lưu ý là nếu không có gì thay đổi, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024.
Theo HSBC, khu vực đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá "lạc nhịp" với Fed. Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, Fed đã không nương tay và triển khai liên tiếp 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Kết quả là, một lượng lớn vốn đã chảy khỏi ASEAN, các đồng nội tệ phải chịu áp lực.
"Ngoài ra, còn những biến động liên quan đến lạm phát do tỷ giá hối đoái và sự ổn định tài chính. Các ngân hàng trung ương ASEAN cần bám sát Fed và các đợt tăng lãi suất, mặc dù mức độ ở mỗi nước một khác", chuyên gia HSBC cảnh báo.
Các quốc gia có thặng dư dồi dào có thể trụ vững trước các động thái của Fed vì họ không quá cần vốn nước ngoài, lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu của các quốc gia này có thể đủ để chi trả cho nhu cầu nhập khẩu.
"Chúng tôi kỳ vọng cán cân của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai thuận lợi hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước", chuyên gia HSBC nhận định.