Đề nghị bổ sung quy định về ngân hàng số vào dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi)
Tin tức - Ngày đăng : 19:04, 01/08/2023
Hội thảo do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 1/8 tại TP.HCM. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN; ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, cùng đại diện các hiệp hội, ngân hàng, tổ chức tài chính…
TS. Trần Văn nêu thực tế, trong những xu thế phát triển hiện nay của các TCTD, bên cạnh chuyển đổi số các NH truyền thống đã xuất hiện các NH số, hay còn được gọi là NH internet (internet-only bank, neo bank). Các hoạt động này được thực hiện hoàn toàn trong môi trường số, không có bất kỳ chi nhánh vật lý nhờ các nền tảng công nghệ tài chính, NH mới vượt trội như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain),...
NH số thường là sự kết hợp, liên kết giữa NH truyền thống và fintech để cung cấp dịch vụ NH trực tuyến với một số điều kiện nhất định, trên một siêu ứng dụng (super-app) di động.
Thời gian qua, nhiều nước đã ban hành và triển khai việc cấp giấy phép NH số. Đơn cử như Trung Quốc có luật về NH số (intenet-only bank) từ năm 2020. Đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 5 ngân hàng số. Hàn Quốc cấp phép từ năm 2021 và tới nay đã có 3 NH số. Một số quốc gia khác như Malaysia cấp 5 giấy phép; Singapore 2 giấy phép, Hongkong 8 giấy phép, Đài Loan (Trung Quốc) 2 giấy phép…
Một số quốc gia phát triển như Anh, Australia, Thụy Sĩ hay Singapore cũng thử nghiệm quy trình cấp phép theo từng giai đoạn. Theo đó NH số mới thành lập được hoạt động với một số giới hạn nhất định trước khi trở thành NH số được cấp phép đầy đủ.
Một số nước khác lại không tạo ra bất kỳ thủ tục cấp phép NH số cụ thể nào mà chỉ dựa trên quy định cấp phép hiện hành, trên cơ sở đánh giá rủi ro của các NH số này, như Brazil, Đức, Nam Phi, UAE,…
Ông Trần Văn cho biết thêm, IDS đã trực tiếp nghiên cứu và tham quan mô hình NH internet của Hàn Quốc như Ngân hàng Kakao, Ngân hàng Toss, và cảm nhận được những lợi ích vượt trội so với NH truyền thống ở một số loại hình dịch vụ nhất định theo luật định.
Cụ thể, NH số đã mở ra cơ hội thuận lợi, rộng rãi nhất cho khách hàng, nhất là trên phương diện cung cấp dịch vụ tài chính bao trùm, tài chính toàn diện tới mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Các dịch vụ NH cơ bản được thực hiện trên nền tảng số nên có tốc độ rất nhanh, thuận tiện, an toàn, chi phí rẻ, phục vụ mọi đối tượng, dịch vụ đa dạng với những khoản/món tiền được quy định cụ thể, không hạn chế về không gian và thời gian. Nhờ đó, NH số hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, ưu tiên sự tiện lợi dựa trên các nguồn dữ liệu được phân tích từ hành vi khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng dịch vụ NH.
Trong khi rất nhiều quốc gia đã triển khai hoạt động của NH số trong thực tế, thì tại Việt Nam mô hình này còn chưa được quy định trong luật. Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) mới đề cập đến hoạt động NH điện tử (số hóa hoạt động NH truyền thống), chưa đề cập đến hoạt động của NH số như một khái niệm rộng hơn khái niệm NH điện tử, và do đó cũng chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình NH số. Như vậy, hành lang pháp lý hiện hành chưa thật sự tương thích, bao quát toàn bộ quá trình số hóa dịch vụ NH, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển NH số.
“Ban đầu, trong đề cương xây dựng Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) có đề cập đến NH số. Tuy nhiên, tại các bản dự thảo Luật sau này, không biết vì lý do gì, nội dung này đã được gỡ bỏ. Đây là điều rất đáng tiếc vì đây là xu thế của chuyển đổi số trong lĩnh vực NH”, ông Văn bày tỏ quan điểm.
Việc quy định cơ bản nhất về NH số trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để sau này Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành những quy định chi tiết cho việc thử nghiệm mô hình này. Đây sẽ là bước tiến cụ thể trong chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực tài chính, NH, thúc đẩy phát triển công nghệ số.
“Thực tiễn cho thấy, cứ phải khoảng hơn 10 năm chúng ta mới sửa Luật các TCTD và không biết khi nào sẽ lại sửa tiếp. Nên thật là thiếu sót nếu lần này chúng ta không thảo luận và đưa các quy định về mô hình NH số vào Luật các TCTD (sửa đổi)”, TS. Trần Văn nhấn mạnh.