Nới lỏng tiền tệ, nhưng không để “đồng tiền dễ dãi”

Tin tức - Ngày đăng : 19:25, 25/07/2023

Nới lỏng chính sách tiền tệ là một trong những giải pháp kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế, song mục tiêu này có thể bị ảnh hưởng nếu dòng tiền đi lệch hướng.
Một trong những yêu cầu để kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Ảnh: Đức Thanh

Lưu ý khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay là cuối tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong những tháng còn lại của năm 2023.

Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân... Theo đó, 2 công cụ quan trọng được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết là chính sách tiền tệ và tài khóa.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5 - 2%), nghiên cứu áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Trong tháng này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.

Bình luận về vấn đề trên, tại Tọa đàm “Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể.

Có chung quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, giải pháp ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn là chính sách rất trúng và rất cần thiết.

Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân 1 - 1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm ở mức độ tương tự.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp rất khó vay được vốn rẻ. Trước “bức tranh về kinh doanh, doanh nghiệp rất đáng lo ngại” dựa trên số liệu kinh tế nửa đầu năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần có những giải pháp để các chính sách tiền tệ phải đi nhanh được vào thực tiễn, doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Song theo TS. Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề và là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nếu như nới lỏng tiền tệ quá mức, thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng sản xuất - kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất - kinh doanh, mà “đi chơi tài sản tài chính”. Vì vậy, dù đồng tình là vẫn còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, nhưng ông Thành lưu ý, nguyên tắc nới lỏng sẽ là không để "đồng tiền dễ dãi".

Cần sự đồng bộ chính sách

Để việc thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hiện nay vừa phục vụ đắc lực nhu cầu về vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa kiểm soát  tốt dòng tiền, lạm phát, lượng vốn tín dụng theo các yêu cầu, mục tiêu đã được đề ra, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ về mặt chính sách.

"Để cho chương trình tiền tệ này tác động tốt nhất tới doanh nghiệp, thì đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng. Chẳng hạn, chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay, nhưng ở đâu đó vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của họ. Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây là một nỗ lực rất lớn, nhưng hiện nay, với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí. Như vậy, chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

Tán thành ý kiến trên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu không đồng bộ, có thể chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị các chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu. “Đa số doanh nghiệp cho biết, lãi suất công khai là một chuyện, lãi suất thực tế là chuyện khác. Tình trạng này cần được khắc phục”, ông Dũng nói.

Cuối cùng, để chính sách đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, sự phối hợp trong điều hành và giám sát thực thi.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ lần nào cũng có nội dung phối hợp trong điều hành. “Có lẽ cũng phải nghĩ đến cách thức để có một đơn vị đầu mối trong việc hỗ trợ thực thi, phối hợp và thúc đẩy giám sát việc thực thi có hiệu quả”, ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Đề xuất cần có Chỉ số Đo lường hiệu quả công việc (KPI) cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo, thì phải có chế tài. “Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa”, ông Lực nói.

Thanh Huyền