Bốn khuyến nghị kiểm soát lạm phát

Tin tức - Ngày đăng : 15:20, 10/07/2023

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,33% so với cùng kỳ năm 2022, là mức cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2023. Do đó, kiểm soát lạm phát, nhất là lạm phát cơ bản vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2023…

Nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam phải vượt qua nhiều cơn gió ngược. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn của các năm 2014, 2017 và 2020 nhưng cao hơn hoặc bằng so với các năm còn lại trong giai đoạn 10 năm 2014-2023.

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra những nhân tố chính tác động đến diễn biến giá cả những tháng cuối năm 2023, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách.

Bốn khuyến nghị kiểm soát lạm phát - Ảnh 1

GIÁ HÀNG HOÁ THẾ GIỚI SẼ GIẢM TRONG 2023 VÀ ĐI NGANG TRONG 2024

Theo các chuyên gia, sau khi tăng 45% trong năm 2022, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới được kỳ vọng sẽ giảm 21% trong năm nay và tiếp tục đi ngang trong năm 2024.

Sau khi giảm sâu trong quý 1/2023, giá năng lượng dự báo sẽ ổn định trong những tháng còn lại trong năm nay, trước khi nhích nhẹ trong năm 2024, khi áp lực về nguồn cung sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường. Trái lại, giá cả các mặt hàng phi năng lượng sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay và giảm 3% trong năm 2024, do nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với dự báo đưa ra vào tháng 10/2022. Giá năng lượng được kỳ vọng sẽ giảm sâu với mức giảm khoảng 26% trong năm nay, sau đó có thể nhích nhẹ không quá 0,1% trong năm 2024.

Trong năm 2023, giá dầu thô Brent trung bình được kỳ vọng sẽ ở mức 84 USD/thùng. Nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu đã khiến mặt hàng năng lượng giảm 15% so với mức giá trung bình trong năm 2022, và dự báo sẽ ổn định ở mức giá này cho tới cuối năm 2024.

Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên lao dốc mạnh, với mức sụt giảm có thể lên đến 53% trong năm nay, nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019. Ngoài ra, châu Âu vẫn đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vào mùa đông tới đây và phải cạnh tranh trong việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ châu Á.

Giá than được dự báo sẽ giảm 42% trong năm nay và giảm 23% trong năm sau. Trong đó, tiêu thụ than tăng cao tại Trung Quốc sẽ bù đắp nhu cầu yếu ớt tại những nơi khác trên thế giới, khi nhiều nước chuyển dịch sang khí đốt tự nhiên. Mặc dù giá giảm nhưng sản lượng than và xuất khẩu từ các nước xuất khẩu chủ chốt (Australia và Indonesia) được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Cùng với xu hướng giảm giá than và khí tự nhiên, giá phân bón được kỳ vọng giảm 37% trong năm nay, nhưng vẫn đứng ở mức cao như trong thời kỳ khủng hoảng thực phẩm 2007-2008.

Ở trong nước, 64,2% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2023 khởi sắc hơn quý 1/2023 với 27,5% đánh giá tốt hơn, 36,7% đánh giá giữ ổn định, trong khi 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo quý 3/2023 khả quan hơn quý 2/2023 với 72,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 so với quý 2/2023 tốt hơn và giữ ổn định (trong đó 34,3% dự báo sẽ tốt hơn và 38,3% dự báo giữ ổn định), trong khi 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia, diễn biến giá cả ở Việt Nam những tháng cuối năm 2023 vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và khả năng hồi phục kinh tế sau tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu.

Mặc dù giá hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, song tình hình kinh tế thế giới có thể có những bất ổn, khó lường (căng thẳng địa chính trị; tranh chấp, trừng phạt nhau giữa các quốc gia...) vẫn là nguy cơ lớn làm cho giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng xấu. Những biến động này sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường, giá cả ở Việt Nam.

Ở trong nước, các cơ quan có thẩm quyền đã và sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (như: tăng lương cơ sở thêm 20,8% từ ngày 1/7/2023, tăng giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới, có thể tiếp tục tăng giá điện để tạo cân bằng tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam...). Những hoạt động này sẽ có tác dụng lan truyền làm tăng CPI ở Việt Nam qua nhiều vòng tác động.

KHUYẾN NGHỊ TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH

Từ những nhận định trên, các chuyên gia đưa ra 4 khuyến nghị trong điều hành chính sách vĩ mô nửa cuối năm 2023.

Thứ nhất,tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Tùng Thư