Lấy ý kiến chuyên gia về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Tin tức - Ngày đăng : 19:28, 02/07/2023
Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo khoa học góp ý về đề tài “Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt: Thực trạng và giải pháp” do Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Hoàng Văn Ninh là Chủ nhiệm Đề tài, được Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số tổ chức ngày 1.7, tại TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo có: Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số Trần Văn; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số Dương Quốc Anh; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng; Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phạm Ngọc Lâm.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Trần Văn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như một xu thế thanh toán hiện đại, an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro ngày càng rõ nét hơn trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Qua đó, để hướng tới các mục tiêu như: tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán; bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán.
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế, thời gian qua, nhiều đề án đã được ban hành như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt các giai đoạn 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với vai trò tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia, các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, qua đó bảo đảm hoạt động thanh toán phát triển an toàn, ổn định và hiệu quả, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đã được bổ sung, hoàn thiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ các nghị định đến thông tư được ban hành khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, fintech phát triển mạnh, đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi; các công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán (ATM, POS, internet/mobile payment, QR Code, contactless payment, super app của một số fintech...) thu được những kết quả tích cực; tốc độ tăng quy mô giao dịch qua kênh thanh toán hiện đại khá cao, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới...
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đang là một thách thức lớn tại Việt Nam khi các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay phần lớn cung ứng cho các đối tượng có thu nhập khá ở đô thị, trong khi tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nhất là từ góc độ tài chính bao trùm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, công nghệ thanh toán không ngừng phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông, fintech đang đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới để vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong nền kinh tế số.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Hoàng Văn Ninh, việc nghiên cứu Đề tài “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” để xác định định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ sở để cung cấp thêm các thông tin, phục vụ cho Ủy ban Kinh tế thực hiện thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 và sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các đối tượng chịu tác động của hoạt động này đã đi sâu vào trao đổi, thảo luận để làm rõ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian qua.
Hội thảo tổ chức được chia thành 3 phiên gồm: về thực trạng, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng trước bối cảnh chuyển đổi số; về kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam; ý kiến góp ý đối với đề tài nghiên cứu.