Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, theo hướng thực chất, hiệu quả
Tin tức - Ngày đăng : 10:57, 20/06/2023
Kế hoạch và mục tiêu mà Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, theo hướng mang lại kết quả thực chất, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Địa phương, bộ, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số
Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn FPT đã ký kết hợp tác toàn diện với UBND tỉnh Bắc Kạn nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng tới người dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, hy vọng chuyển đổi số giúp địa phương này rút ngắn khoảng cách với miền xuôi, khơi dậy tiềm năng.
Thông tin từ tập đoàn FPT cho biết, không chỉ Bắc Kạn, tính đến nay FPT đã xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với gần 30 địa phương trên cả nước trong thời gian qua.
Ngoài FPT, VNPT cũng là tập đoàn lớn chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các bộ ngành, tỉnh thành. Năm 2020 – 2021, Bộ Công an và VNPT đã hợp tác triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tạo tiền đề để xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Nối tiếp sự hợp tác đó, Bộ Công an đã tiếp tục lựa chọn Tập đoàn VNPT là đối tác trong việc phát triển hạ tầng số, triển khai đề án chuyển đổi số của Bộ Công an giai đoạn 2023-2025, lộ trình định hướng đến năm 2030; hợp tác triển khai đề án 06, phát triển dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật trung tâm chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ Công an; hệ thống ứng cứu khẩn cấp…
Trong tháng 4-2023, UBND tỉnh Tuyên Quang và VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2028. Thỏa thuận này được ký kết sau khi 2 đơn vị đã hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2017-2022. Sau hơn 5 năm triển khai hợp tác, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế – xã hội.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và UBND tỉnh Bình Phước đã ký kết về việc tiếp tục chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025, phát triển hạ tầng nền tảng số, tư vấn phát triển chính quyền số, kinh tế số tại địa phương này.
Được biết, hai đơn vị trên đã hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2017 – 2022. Điều này đã góp phần giúp tỉnh Bình Phước trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về dịch vụ hành chính công. Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Bình Phước đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố về chuyển đổi số, tăng 16 bậc so với năm 2020.
Hướng đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến cuối tháng 4-2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình của cả nước đạt trên 84%. Tuy nhiên, về hiệu quả sử dụng, các tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ và hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới chỉ đạt lần lượt 51,3% và 54,8%. Con số này còn khoảng cách không nhỏ với mục tiêu 80% và 60% đã được đặt ra cho hai chỉ tiêu này trong năm 2023.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình chưa cao do người dân còn chưa thấy thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả đợt khảo sát được bộ này và Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương trong tháng 3 đã ghi nhận một số vướng mắc khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý một số lỗi của các hệ thống thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp để dịch vụ dễ sử dụng, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các tỉnh thành, bộ ngành cần xây dựng kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, như rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ giấy; giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Đã có một số tỉnh, thành phố (như Lạng Sơn, TPHCM, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Long An, Cao Bằng) ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và một đơn vị là Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng ưu tiên giải quyết, trả kết quả sớm khi người dân, doanh nghiệp chọn dùng dịch vụ công trực tuyến.
Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đã ký quyết định ban hành kế hoạch hoạt động của ủy ban này trong năm 2023.
Kế hoạch nêu mục tiêu, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cần chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng về chính phủ số là 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến; hơn 30% bộ, ngành, địa phương triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và phục vụ người dân.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Liên hợp quốc đánh giá xếp hạng dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đứng thứ 76/193 các quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 5 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, chưa ngang bằng được với các nước dẫn đầu trong khu vực.