Khó khăn cản bước Fintech cho vay tiêu dùng

Fintech - Ngày đăng : 10:35, 13/06/2023

Dù là lĩnh vực quan trọng và rất tiềm năng, bù đắp những khoảng trống mà ngân hàng không với tới, góp phần đẩy lùi tín dụng "đen", nhưng các công ty tài chính và công ty Fintech (công nghệ tài chính) cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều rào cản.

Khó chồng khó

Trao đổi với Đặc san Ngân hàng, lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng nói chung và Fintech cho vay tiêu dùng nói riêng đều chung quan điểm: “Thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19 khiến xã hội bị giãn cách cũng khá khó khăn, nhưng chưa bao giờ khó khăn lại chồng khó khăn như hiện nay”.

Nguyên nhân khách quan được ông Đỗ Minh Hải, Tổng giám đốc ATM Online chỉ ra là do tác động tiêu cực bởi xung đột địa chính trị, dịch bệnh và lạm phát cao của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã ảnh hưởng đến lượng đơn hàng xuất khẩu trong nước. Cụ thể, 4/6 tháng quý IV/2022 và quý I/2023, PMI của Việt Nam dưới ngưỡng 50 điểm, dẫn đến thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự doanh, tự do - là phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính nói chung và Fintech cho vay như ATM Online nói riêng - sụt giảm về thu nhập.

Ngoài ra, tình trạng gia tăng các nhóm đối tượng làm giả giấy tờ tùy thân, bộ hồ sơ phục vụ vay tiền, hướng dẫn cách trốn nợ… khiến các Fintech cho vay siết chặt quy trình thẩm định và thu hẹp khoản cho vay.

Theo nhân viên thu hồi nợ của một app cho vay, việc hướng dẫn cách chây ì, gài bẫy các đơn vị cho vay được chia sẻ công khai hoặc qua các hội nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ của các đơn vị cho vay.

“Thậm chí, các đối tượng là admin (người nắm quyền quản lý của các nhóm) còn công khai bán, thu phí dịch vụ chuyển cuộc gọi đến số của cơ quan công an, tòa án khi các công ty tài chính gọi đến người vay, gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ của các đơn vị cho vay”, nhân viên thu hồi nợ này cho biết.

Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng và cả Fintech khi thực hiện đúng quy trình, thủ tục thu nợ, gồm cả thủ tục pháp lý là kiện ra tòa án dân sự thì phức tạp và kéo dài, thường mất từ 6-12 tháng. Chưa kể, ngay cả khi đã có phán quyết của tòa án là “thắng kiện”, việc thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn. Dẫn chứng trường hợp cụ thể, đại diện ATM Online cho biết, đã kiện thắng 1 khách hàng ở quận 10, TP.HCM là đối tượng trong nhóm “bùng” nợ qua mạng, nhưng khi thi hành án thì đối tượng liên tục liên lạc với nhóm này nhằm lấy các hướng dẫn để gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ và thi hành án của cơ quan chức năng.

“Trước thực trạng thay đổi đáng kể hành vi của khách hàng trong việc trả nợ, ATM Online đã siết chặt hơn quy trình thẩm định. Cụ thể, tỷ lệ phê duyệt bình quân cho khách hàng giảm 50% so với trước đây. Điều này khiến cho cơ hội tiếp cận tài chính của khách hàng ngày càng giảm, bởi khi các công ty tài chính tiêu dùng, các công ty Fintech cho vay siết chặt việc cho vay sẽ khiến nguồn cung tài chính trở nên khan hiếm hơn”, ông Hải nói.

Cảnh báo các hành vi lừa đảo

Việc các công ty tài chính và Fintech cho vay gặp khó trong việc phát triển dịch vụ không chỉ tạo khoảng trống để các nhóm lừa đảo lợi dụng lừa đảo người có nhu cầu vay tiền, mà còn tạo cơ hội cho tín dụng "đen" bùng phát trở lại.

Ông Đỗ Minh Hải cho biết, chỉ trong khoảng 2 tháng (từ đầu tháng 3 tới đầu tháng 5), ATM Online đã nhận được phản ánh của hơn 20 khách hàng về việc bị kẻ gian mạo danh ATM Online lừa đảo để chiếm dụng tiền. Khách hàng bị lừa thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là hơn 130 triệu đồng. Tổng số tiền 20 khách hàng này bị lừa vào khoảng 400 triệu đồng.

Đối tượng lừa đảo sử dụng logo và thông tin của Công ty để lập website giả có gắn đường link tải ứng dụng cho vay. Hình thức ứng dụng thì khá giống với ứng dụng cho vay thông thường. Các đối tượng lừa đảo này sử dụng chung một ứng dụng, nhưng với nhiều website giả của các công ty tài chính tiêu dùng và các công ty Fintech uy tín.

Đối tượng lừa đảo này sử dụng một kịch bản: Tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay, hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng giả rồi tạo các hợp đồng duyệt vay theo số tiền khách hàng đăng ký. Sau đó nói trục trặc trong khâu giải ngân (với nhiều lý do khác nhau: Khách hàng ghi sai số tài khoản, khách hàng có nợ xấu, nâng hạn mức vay…) và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để xử lý vấn đề.

“Việc chuyển tiền được thực hiện nhiều lần, ban đầu số tiền có thể nhỏ, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Khách hàng bị cuốn vào và vì tiếc số tiền đã chuyển nên cứ tiếp tục chuyển tiếp”, lãnh đạo ATM Online thông tin.

Trao đổi với Đặc san Ngân hàng, lãnh đạo các công ty tài chính cho biết, các đối tượng lừa đảo rất chuyên nghiệp trong việc thao túng tâm lý khách hàng bằng cách đánh vào nhu cầu cần tiền gấp của họ. Kẻ gian tạo ra kịch bản cần đóng tiền để xử lý cho việc giải ngân. Số tiền ban đầu cần ứng chỉ vài triệu, đối tượng lừa đảo trong vai nhân viên sẽ hỗ trợ bỏ tiền túi ứng cho khách hàng. Khách hàng thấy số tiền này hiển thị trong tài khoản ảo của mình, nên tin tưởng.

Sau khi khách hàng có lòng tin, các đối tượng bắt đầu đưa ra nhiều vấn đề và lý do để khách hàng phải chuyển tiền thành nhiều đợt, số tiền ban đầu nhỏ, sau đó cao dần và khách hàng vì sợ mất tiền đã nộp nên cứ liên tục đóng tiếp. Phần lớn là trao đổi qua zalo hoặc messenger và sau khi lừa đảo xong, khách hàng không liên lạc được với các đối tượng này nữa.

Việc các công ty tài chính và Fintech cho vay gặp khó trong việc phát triển dịch vụ không chỉ tạo khoảng trống để các nhóm lừa đảo lợi dụng lừa đảo người có nhu cầu vay tiền, mà còn tạo cơ hội cho tín dụng "đen" bùng phát trở lại.

Cần sự vào cuộc của các bên

Ông Đỗ Minh Hải cho biết, các hoạt động Fintech đang phát triển phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới đều tồn tại ở Việt Nam (cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, P2P Lending, e-KYC, ứng dụng công nghệ Blockchain…), nhưng hiện chưa có quy định tại các văn bản pháp lý chính thức, dù gần đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo lần thứ 3 về Sandbox Fintech và dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong thời gian tới.

“Hiện tại, Nhà nước chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các công ty Fintech nên chúng tôi gặp nhiều thách thức trong hoạt động. Nhiều đối tác nước ngoài chần chừ trong việc đầu tư, việc đặt vấn đề hợp tác với các ngân hàng và doanh nghiệp lớn hay cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước dữ liệu tín dụng của khách hàng... đều rất khó khăn. Dù vậy, chúng tôi nỗ lực làm tốt nhất trong khuôn khổ pháp lý hiện tại cho hoạt động của mình, cũng như hết sức hợp tác, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các hành lang pháp lý để hướng đến việc trong sạch hóa hoạt động Fintech tại Việt Nam”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng đề nghị, cơ quan Công an sớm có những biện pháp để xử lý các hội nhóm chỉ cách "bùng" tiền trên các nền tảng mạng xã hội và các đối tượng lừa đảo thường sử dụng để qua mặt các bên cho vay và người vay, làm nhiễu loạn thị trường tài chính và mất niềm tin của khách hàng với lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Với các đơn vị cung cấp khoản vay, cần sớm áp dụng các nền tảng công nghệ: gọi điện tự động áp dụng các thuật toán, hệ thống Robot AI QC để quản lý chặt chẽ chất lượng cuộc gọi của nhân viên, nhằm đảm bảo tính tuân thủ của hoạt động thu nợ theo đúng các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, ông Hải cho rằng, người đi vay cần nâng cao ý thức trong việc lựa chọn các đơn vị cung cấp khoản vay hợp pháp và ý thức trong việc thanh toán các nghĩa vụ nợ khi đến hạn, vì khi khách hàng thanh toán tốt sẽ là cơ sở trong việc giảm lãi, phí của các đơn vị cung cấp khoản vay. Qua đó, tiến tới mục tiêu khi khách hàng có nhu cầu tài chính thì việc tiếp cận cũng sẽ dễ dàng hơn với chi phí hợp lý.

“Tóm lại, để thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững, Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, còn các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ và kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ của nhân viên nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng”, ông Hải nhấn mạnh.

Hà An/ Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023