Trung tâm dữ liệu quốc gia được triển khai như thế nào?
Tin tức - Ngày đăng : 09:34, 25/05/2023
Chiều 24/5, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023, tại hội thảo chuyên đề “Hạ tầng dữ liệu số và bảo mật an toàn thông tin”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) thông tin về định hướng xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA CÓ TẦM QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?
Theo Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia đang trở thành một phần quan trọng của sự phát triển kinh tế và công nghệ. Với sự gia tăng vượt bậc về lưu trữ dữ liệu và nhu cầu tăng cường an ninh, bảo mật thông tin, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia là một tru tiên hàng đầu đối với các quốc gia, không chỉ để đáp ứng nhu cầu lưu trữ thông tin mà còn để đảm bảo an ninh và chủ quyền về dữ liệu.
Các trung tâm này được thiết kế với các tiêu chuẩn cao về hiệu suất, độ tin cậy và bảo mật, đồng thời được trang bị các công nghệ tiên tiến như ảo hóa, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa việc quản lý và khai thác dữ liệu, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia, đồng thời cung cấp nền tảng cho các dự án quan trọng như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), Big Data và ứng dụng công nghệ tiên tiến…
Các quốc gia đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia để đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững. "Điều này chứng tỏ xu hướng xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia không chỉ là một khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn là một yếu tố cần thiết để định hình tương lai của các quốc gia trên thế giới", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn lấy ví dụ tại khu vực châu Á, một số nước tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia để tạo nền đẩy mạnh chuyển đổi số từ rất sớm và đã đạt được thành tựu đáng kể. Như Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm dữ liệu lớn gồm hệ thống của 79 bộ, ngành, địa phương và các tổ chức; đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, phục vụ người dân kịp thời, hiệu quả. Tại Nhật Bản đã xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu để tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính các cấp kết nối, khai thác, chia sẻ phục vụ quản trị quốc gia.
Hay Ấn Độ đã triển khai dựa vào hoạt động trung tâm dữ liệu lớn gồm 5 trung tâm dữ liệu thành phần để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin tập trung cho Chính phủ nhằm phân tích dữ liệu chuyên sâu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy để áp dụng trong các hoạt động của Chính phủ.
Lộ trình thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng cơ sở (từ năm 2023 đến hết năm 2025); Giai đoạn 2 là mở rộng (từ năm 2026 đến hết năm 2028); Giai đoạn 3 phát triển (từ năm 2029 đến hết năm 2030).
Ở Việt Nam, việc thực hiện chuyển đổi số những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt từ khi thực hiện Đề án 06 đã mang lại chuyển biến đồng bộ tại các ngành, các cấp. Qua đó kinh tế số, kinh tế dữ liệu được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản lý, đặc biệt là khía cạnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, công dân số và kinh tế số, ông Tuấn cho rằng, việc xây dựng và khai thác các hệ thống thông tin còn nhiều bất cập. Cụ thể là khả năng tái sử dụng các thành phần phần cứng và phần mềm của nhiều hệ thống thông tin rời rạc, tính đồng bộ thấp; Các dữ liệu không thống nhất khuôn dạng, chi tiêu và tiêu chuẩn trên các hệ thống thông tin (thiết bị, ứng dụng, quản lý khai thác dữ liệu) rời rạc của các cơ quan đơn vị chủ quản khác nhau; Chi phí phát sinh khác dễ xảy ra các nguy cơ sai hỏng, lộ lọt thất thoát dữ liệu - đặc biệt là dữ liệu bí mật nhà nước - mà rất khó hoặc không thể điều tra truy vết để ngăn chặn hoặc thu hồi, hủy bỏ…
Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để thúc đẩy chuyển đối số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, tại Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 03/02/2023, Chính phủ đã giao “Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia".
MỤC TIÊU VÀ LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
Ông Tuấn cho biết, về mục tiêu xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đặt ra 7 mục tiêu chính, trong đó mục tiêu về dữ liệu, cụ thể sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sớm kho dữ liệu lớn tổng hợp quốc gia. Đến hết năm 2025, hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho thông tin tổng hợp được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người;…
Mục tiêu về phân tích và khai thác dữ liệu, dự tính đến năm 2030, trên 90% các hoạt động hành chính trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thay thế bằng chia sẻ dữ liệu số từ các kho dữ liệu tổng hợp trong Trung tâm dữ liệu quốc gia….
Mục tiêu về cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính công: Đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân, tổ chức và đơn vị chi phải nhập dữ liệu một lần. Cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước so với hiện nay. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống đạt mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%.
Mục tiêu về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Hướng tới năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm: 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI); Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 30 nước dẫn đầu và công nghệ thông tin (IDI), 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội: Đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam đạt 12 USD chiếm 20% GDP, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tham gia quan trọng vào phát triển nền kinh tế dữ liệu, đảm bảo mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp vào GDP đất nước….
Lộ trình thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng cơ sở (từ năm 2023 - 2025); Giai đoạn 2 là mở rộng (từ năm 2026 - 2028); Giai đoạn 3 - phát triển (từ năm 2029 - 2030).
Ông Tuấn cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ bao gồm hạ tầng vận hành và hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các hệ thống của Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và triển khai Nền tảng tích hợp, đồng bộ dữ liệu chuyên dụng, xây dựng Kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.