Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng

Multimedia - Ngày đăng : 08:43, 04/05/2023

Những khó khăn của nền kinh tế đã kéo tăng trưởng GDP quý 1/2023 xuống mức gần thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây. Điều này tạo sức ép tăng trưởng lên những quý tiếp theo, khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài cũng như từ nội tại nền kinh tế. Song, nền kinh tế vẫn còn dư địa để đạt tăng trưởng GDP theo mục tiêu đề ra.
Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1
Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2

Tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 xuống mức thấp, ngoài dự báo được đưa ra trước đó. Kinh tế quý 1/2023 có điểm gì đáng chú ý không, thưa ông?

Đúng là chúng ta đã lường trước kinh tế quý 1/2023 sẽ khó khăn hơn khi tăng trưởng GDP được dự báo thấp và lạm phát sẽ cao hơn so với các quý trước hay cùng kỳ năm trước, song con số công bố lại thấp hơn đáng kể so với dự báo. Điều này cho thấy tình hình thực tế đang khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp dự báo tình hình sắp tới còn xấu hơn khi đơn hàng giảm, khả năng tiếp cận vốn vẫn hạn chế…

Số liệu thống kê quý 1/2023 còn cho thấy một điểm đáng lưu ý. Thông thường, khi lạm phát cao thì tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm do thắt chặt chi tiêu, song những tháng đầu năm, tăng trưởng tiêu dùng vẫn tăng. Cụ thể hơn, mức tăng cao này là so với cùng kỳ năm trước - thời điểm nền kinh tế mới tái khởi động trở lại, đặc biệt là mở cửa thị trường du lịch quốc tế, vì vậy, thị trường nội địa vẫn chưa phục hồi so với thời điểm trước đại dịch.

Về mặt lý thuyết, lạm phát tăng sẽ do 3 yếu tố tác động, gồm: cầu kéo, chi phí đẩy và tiền tệ. Nhưng nhìn vào bối cảnh quý 1/2023 có thể thấy, kinh tế thế giới suy giảm đã kéo giảm cầu tiêu dùng của thế giới, dẫn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng giảm theo. Mặc dù Việt Nam vẫn đang ở trạng thái thặng dư thương mại nhưng giá trị xuất khẩu giảm đáng kể. Điều này cho thấy đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm xuống, số công ăn việc làm được tạo thêm ít đi, tiêu dùng người dân giảm.

Vì vậy, dù lãi suất liên tục giảm trong thời gian qua nhưng tăng tín dụng vẫn chậm, do doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh khi triển vọng kinh doanh không lạc quan. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hay nói cách khác là cầu tín dụng của doanh nghiệp chỉ có thể tăng trở lại khi tiêu dùng nội địa và thế giới phục hồi.

Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 3

Vậy theo ông, cần tập trung vào lĩnh vực nào để tạo đột phá về kinh tế khi mục tiêu tăng trưởng 6,5% được xem là rất thách thức trong bối cảnh hiện nay?

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng; trong đó, để đạt tăng trưởng cả năm là 6,5% thì tăng trưởng GDP các quý sau phải đạt từ 6,7-7,9%. Đây là kịch bản rất thách thức, song ở thời điểm này, đây là kịch bản hợp lý, phù hợp với bối cảnh.

Hơn nữa, chúng ta vẫn còn dư địa để tăng trưởng những tháng cuối năm thông qua giải pháp thúc đẩy tổng cầu. Trong đó, đầu tư công chính là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công để tạo tác động lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác.

Thông thường, quý 1 hàng năm, tốc độ giải ngân vốn thường thấp, song tình hình sẽ dần được cải thiện ở những tháng sau do tác động từ đầu công thường có độ trễ nhất định. Sang quý 2, cùng với tác động từ các đợt giảm lãi suất trước đó và các biện pháp giãn, giảm thuế… cũng sẽ làm thay đổi tổng cầu, kích thích đầu tư từ doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, với những giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản đang được đề xuất thực hiện, điểm nghẽn của tổng cầu sẽ dần được tháo gỡ, bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn.

Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 4

Còn động lực tăng trưởng từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thế nào khi thu hút FDI từ đầu năm liên tục giảm và nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu được các nước áp dụng từ 1/1/2024, thưa ông?

Thuế tối thiểu toàn cầu là một thỏa thuận mới nhằm bảo đảm các doanh nghiệp đa quốc gia phải nộp tỷ lệ thuế công bằng ở nơi hoạt động và tạo lợi nhuận. Theo quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên (tương đương 870 triệu USD) trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất sẽ bị áp dụng mức thuế bổ sung với công ty mẹ nếu thuế suất áp dụng trên lợi nhuận của các công ty con ở nước ngoài thấp hơn 15%. Do vậy, đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm.

Hiện nay, thuế suất bình quân đang áp dụng với các doanh nghiệp FDI là khoảng 12,5%, thấp hơn so với mức thuế 15% được quy định tại Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu tại nước có công ty mẹ áp dụng quy tắc này thì các doanh nghiệp FDI sẽ phải chịu thêm khoản chênh lệch 2,5%. Còn không, nếu Việt Nam tăng thuế để bằng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu thì chúng ta có thể thu thêm thuế từ khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp FDI có mức doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR đang hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần đưa ra các tuyên bố sớm để các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia sớm có định hướng.

Tuy vậy, cũng giống như một số nước khác trong khu vực tham gia Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Malaysia, Thái Lan… cũng đang “im lặng” và chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc tăng hay giảm thuế; Philippines và Indonesia cũng mới thành lập tổ công tác nghiên cứu về những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại nước mình. Vì vậy, trong trường hợp này, rất khó để vận dụng kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam một cách phù hợp.

Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 5

Các nghiên cứu gần đây về thuế tối thiểu toàn cầu đều không đánh giá rõ đây là cơ hội hay thách thức. Nhưng rõ ràng nếu Việt Nam tăng mức thuế lên cân bằng với mức 15%, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới có thể giảm sút, bởi đến nay ưu đãi thuế vẫn là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, khi các tập đoàn đa quốc gia không còn tận dụng lợi thế về chênh lệch thuế suất giữa các quốc gia, tình trạng chuyển giá, trốn thuế… sẽ giảm. Bức tranh toàn cảnh về hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trở nên rõ ràng hơn. Do đó, có thể tập trung vào những vấn đề dài hạn để thu hút FDI hơn là đưa ra những ưu đãi ngắn hạn về thuế.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố quyết định đến dòng vốn FDI không phải là ưu đãi thuế, nhất là trong bối cảnh các quốc gia áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Thể chế, các quy định pháp luật, cơ sở hạ tầng, nhân lực… mới là những yếu tố thu hút các tập đoàn lớn. Vì vậy, đây chính là thời điểm để Việt Nam nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tăng cường đào tạo kỹ năng cho người lao động…

Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 6

VnEconomy 04/05/2023 06:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 7

Ngân Hà