Tư duy số, nhân lực số sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Tin tức - Ngày đăng : 09:05, 13/04/2023
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều biến động bất ngờ và khó lường, cùng sức ép đến từ xu hướng chuyển đổi số, đội ngũ nhân sự có năng lực để làm việc hiệu quả trong nền kinh tế số được xem là yếu tố cạnh tranh then chốt của doanh nghiệp.
Tại sự kiện “Nhân sự số – Năng lực nào thúc doanh nghiệp tăng trưởng?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và Le & Associates phối hợp tổ chức sáng ngày 12-4, GS.TS Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản), chia sẻ Việt Nam hiện đang là nước thu nhập trung bình thấp, để trở thành nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030 và nước thu nhập cao vào năm 2045 cần phải liên tục tăng năng suất, năng lực cạnh tranh trong thời đại mới.
Ông Thọ dẫn chứng trước năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam không tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm, nhưng 5 năm gần đây đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Do đó, trên bình diện quốc gia cần thúc đẩy công nghiệp hóa theo chiều sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khi doanh nghiệp đủ lớn mạnh; tăng cường giáo dục, đào tạo trọng thời đại kỹ thuật số và tổ chức, lập các cơ sở tái đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Bên cạnh đó, chiến lược gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều yếu tố như tài sản vô hình (đẩy mạnh cách tân công nghệ thông qua nghuên cứu và phát triển, khả năng thiết kế…), tài sản có thể thông tin hóa (ví dụ như software database), tài sản tổng hợp (như năng lực quản lý, tổ chức và nguồn nhân lực mới), đổi mới sáng tạo, xây dựng nhân tài gắn với doanh nghiệp.
Phân tích yếu tố xây dựng nhân tài, Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết nguồn lực quan trọng cần cho giai đoạn mới là nhân tài kỹ thuật số và nhân tài tổng hợp (có năng lực cơ bản thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường và công nghệ). Trong đó, nhân tài kỹ thuật số dù có mức tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, các đơn vị cần có chiến lược vừa thu hút vừa đào tạo, có phương thức giữ chân nhân tài bằng chính sách đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhân tài tổng hợp lại khó phát hiện, vậy nên cần thu dụng người có tiềm năng và nuôi dưỡng, đào tạo trong công ty, song song với việc tổ chức các chương trình tái đào tạo cho nhân viên.
Bàn luận sâu về các năng lực quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Tẩn, CEO của Công ty cổ phần Công nghệ Citek, cho rằng các doanh nghiệp quy mô nhân sự từ 100-300 người đang có động lực tích cực trong chuyển đổi số. Bởi, chuyển đổi số là giải pháp giúp doanh nghiệp bước đi bền vững và trở thành những doanh nghiệp lớn.
Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược, tầm nhìn của tổ chức, đồng thời giảm tối đa nguy cơ họ rời bỏ doanh nghiệp. Để giữ chân nhân sự, ngoài tập trung đầu tư còn cần ưu tiên cho mục tiêu số hóa, vì nó sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh và mục tiêu bài bản.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhân viên không chỉ cần giỏi công nghệ thông tin mà còn phải có thói quen tư duy số. Tại Citek, công ty luôn khuyến khích nhân viên khi giải quyết bất cứ vấn đề gì phát sinh trong công việc cần gắn với góc nhìn công nghệ.
Còn ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nằm ở tầm nhìn chiến lược.
Tư duy chiến lược và sự đồng lòng của đội ngũ là yếu tố căn cơ để chuyển đổi số thành công. Trong đó, các lãnh đạo phải đi đầu và phải là những người tham gia vào chuyển đổi số tích cực nhất.
Tiếp đến là thường xuyên tổ chức những buổi đào tạo về tư duy, công nghệ hay các hoạt động chia sẻ, nói chuyện về chuyển đổi số, đưa ra viễn cảnh nếu chuyển đổi số thành công, nhân viên sẽ được hưởng những lợi ích gì. Bởi, chỉ khi nhân viên tình nguyện tham gia thì mới có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, một điều kiện quan trọng để chuyển đổi số thành công.