Trí tuệ nhân tạo ra quyết định hỗ trợ con người
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:15, 10/04/2023
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đang là điểm nhấn hiện nay. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong các ngành đang nắm bắt công nghệ này nhằm cải thiện hoạt động, thu thập và xử lý thông tin hiệu quả hơn và thúc đẩy cơ hội tăng nguồn thu. Những quyết định kinh doanh trước đây chỉ được đưa ra dựa trên trí tuệ con người giờ đây có thể do AI thực hiện.
AI tác động đến việc ra quyết định như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn là AI có thể tác động sâu sắc đến quá trình ra quyết định, ngay cả khi được sử dụng theo những cách nhỏ và tinh tế. Trong khi công nghệ mới này vẫn còn những thách thức, nhiều tổ chức đã đạt được thành công khi sử dụng AI.
AI hỗ trợ việc ra quyết định như thế nào?
AI có thể phân tích các tập dữ liệu lớn, học từ chúng và đưa ra dự đoán hoặc quyết định dựa trên dữ liệu đó. AI có thể được sử dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tài chính, vận tải... Nó có thể giúp chẩn đoán bệnh trong y tế, dự đoán gian lận trong kinh doanh, cải thiện năng suất cây trồng trong nông nghiệp và thậm chí nâng cao trải nghiệm người dùng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
AI cung cấp thông tin chi tiết về dữ liệu mà con người có thể không dễ dàng nhìn thấy. Bằng cách phân tích các tập dữ liệu lớn và tìm ra mẫu, AI có thể giúp tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hoạt động và quy trình của họ. Chẳng hạn, AI xác định các mẫu hành vi của khách hàng mà doanh nghiệp có thể sử dụng để cá nhân hóa các chiến dịch tiếp thị và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Tương tự, AI có thể giúp doanh nghiệp dự đoán nhu cầu đối với sản phẩm của mình, cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa mức tồn kho và tránh tình trạng hết hàng hoặc dự trữ quá nhiều.
Một cách quan trọng khác mà AI tác động đến quá trình ra quyết định là tự động hóa các tác vụ cụ thể. Những nhiệm vụ này thường tốn nhiều thời gian và có thể không dẫn đến những quyết định tốt nhất khi chúng được thực hiện bởi con người. AI có thể đưa ra quyết định nhanh và chính xác hơn con người bằng cách tự động hóa các quy trình nhất định. Ví dụ, hãng hàng không có thể tối ưu hóa giá vé bằng cách sử dụng AI để phân tích nhu cầu, sự cạnh tranh và các yếu tố khác trong thời gian thực, giúp đưa ra các quyết định về giá hiệu quả hơn.
AI đặt ra những thách thức ra quyết định gì?
Tiềm năng của AI khi tác động vào việc ra quyết định không phải là không có thách thức. Để đưa ra dự đoán chính xác, hệ thống AI yêu cầu lượng thông tin khổng lồ mà không phải tổ chức nào cũng có quyền truy cập. Chất lượng dữ liệu cũng rất quan trọng cho sự thành công của AI. Dữ liệu phải chính xác, đầy đủ và không thiên vị để tránh những dự đoán và quyết định sai lệch.
Một thách thức khác là nhu cầu về chuyên gia trí tuệ nhân tạo, khoa hoa học dữ liệu, kỹ sư phần mềm… để phát triển, triển khai và bảo trì hệ thống AI. Do nhu cầu tăng nhanh nên số chuyên gia có kỹ năng chuyên môn cao đang là nguồn lực hạn chế. Trong một số trường hợp, nhiều công ty đang sử dụng các công cụ và dịch vụ AI do những các nhà công nghệ cung cấp để lấp đầy khoảng thiếu hụt. Tuy nhiên, cách tiếp cận này làm hạn chế khả năng đổi mới và tạo sự khác biệt của công ty so với đối thủ cạnh tranh.
Hơn nữa, AI làm dấy lên những lo ngại quan trọng về đạo đức xung quanh quyền riêng tư và sự thiên vị. Khi các hệ thống AI trở nên tinh vi hơn, chúng có thể có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm, gây lo ngại về cách thông tin đó sẽ được sử dụng và bảo vệ. Các hệ thống AI cũng có thể duy trì sự thiên vị và phân biệt đối xử nếu chúng được xây dựng bằng dữ liệu không đầy đủ, không chính xác.
Để giảm thiểu những lo ngại này, các tổ chức phải minh bạch về việc sử dụng AI của họ, đảm bảo dữ liệu được thu thập và sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm, đồng thời thực hiện các quy trình giám sát và kiểm tra nghiêm ngặt để xác định và khắc phục mọi sai lệch có thể phát sinh.
Cần gì để triển khai AI cho việc ra quyết định?
Để triển khai AI phục vụ cho việc ra quyết định, tổ chức cần có cơ sở hạ tầng về dữ liệu hiện đại để hỗ trợ các loại dữ liệu mới và thường là lượng dữ liệu rất lớn. Nhiều tổ chức đang chuyển sang đám mây để quản lý dữ liệu và sử dụng chuyên gia dữ liệu, cũng như công cụ tích hợp dữ liệu và đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy.
Một số tổ chức cũng đang sử dụng các ứng dụng trí thông minh tăng cường, trong đó AI được đưa vào phần mềm để tự động hóa chức năng, chẳng hạn như làm sạch dữ liệu, thu thập thông tin chuyên sâu hoặc xây dựng các mô hình dự đoán.
Ngoài việc cần đến chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải khuyến khích tất cả nhân viên xây dựng sự phấn khích và tin tưởng. Điều cần thiết là thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thiết kế và triển khai các hệ thống AI để đảm bảo rằng họ hiểu cách thức hoạt động của hệ thống và cảm thấy thoải mái khi sử dụng.
Hướng về phía trước
AI có tiềm năng lớn để chuyển đổi quá trình ra quyết định trong các ngành công nghiệp khác nhau. Công nghệ này có thể tự động hóa các quy trình ra quyết định, phân tích các tập dữ liệu lớn và cung cấp thông tin chi tiết mà con người có thể không nhìn thấy. Tuy nhiên, việc triển khai AI để ra quyết định đặt ra những thách thức, bao gồm quyền truy cập vào dữ liệu chính xác và không thiên vị, nhu cầu về các chuyên gia lành nghề để phát triển và duy trì hệ thống AI cũng như các mối quan ngại về đạo đức xung quanh quyền riêng tư và sự thiên vị.
Bất chấp những thách thức này, nhiều tổ chức đã triển khai thành công AI để hỗ trô việc ra quyết định và đang nhận thấy lợi ích về hiệu quả được cải thiện, tiết kiệm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Để khai thác tiềm năng ra quyết định của AI, tổ chức cần có cơ sở hạ tầng dữ liệu hiện đại, đảm bảo có chuyên gia chuyên ngành, thu hút các bên liên quan tham gia vào quá trình thiết kế và triển khai, và cuối cùng là thu hút tất cả nhân viên trong tổ chức tham gia.