Công nghệ số - giải pháp cho doanh nghiệp cạnh tranh tăng trưởng
Tin tức - Ngày đăng : 06:47, 29/03/2023
Ảnh: Minh họa |
Công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả
Đại dịch Covid-19 khiến cho rất nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thách thức như: việc sản xuất kinh doanh đình trệ, môi trường hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ, cách thức sản xuất - kinh doanh truyền thống dần trở nên không còn phù hợp.
Theo số liệu công bố gần nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu cả nước không tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3%; số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hạ còn 6,3%.
Đại diện VCCI cho rằng, trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất không thể ngồi yên chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước, mà phải tự cải tiến và sáng tạo để vượt qua khó khăn và công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho các doanh nghiệp là cạnh tranh kinh doanh trong thời đại số đang ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi doanh nghiệp liên tục đổi mới, cải tiến để thích ứng với sự thay đổi của khách hàng và nền kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học thời điểm này việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Riêng với TP. Hồ Chí Minh có quy mô hơn 10 triệu dân, đóng góp khoảng 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ 32% số DN hoạt động, hơn bao giờ hết việc thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn đang được xem là vấn đề trọng tâm, cấp bách. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả mà còn góp phần đẩy mạnh xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước.
TP. Hồ Chí Minh sẽ đột phá trong chuyển đổi số quốc gia
TP.Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong lộ trình thực hiện đề án chuyển đổi số quốc gia, với nhiều chương trình, đề án phù hợp, đang góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. |
Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh đến 2030, là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, là thành phố văn hoá, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, chính quyền số và trung tâm kinh tế tài chính công nghệ khoa học công nghệ thương mại và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, trong đó phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 trong GRDP của thành phố.
Tháng 6/2021, TP. Hồ Chí Minh thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số DXCenter nhằm thực hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Đây được xem là động thái tích cực, nhằm đi trước đón đầu xu thế của thời đại cũng như tạo sự cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, điểm thuận lợi là TP. Hồ Chí Minh vừa công bố chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025, nhằm khai phá tiềm năng dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cơ quan chính quyền thành phố, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, hướng đến phát triển kinh tế số toàn diện và bền vững.
Chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là xây dựng cơ chế hợp tác công tư, mời gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các startup công nghệ để khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ thành lập một trung tâm chuyển đổi số phục vụ triển khai chuyển đổi số ở các cơ quan Nhà nước. Do vậy, thành phố sẽ đặt hàng các đề tài cụ thể để doanh nghiệp xây dựng các giải pháp phục vụ chuyển đổi số ở từng sở, ngành, quận, huyện.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị triển khai chiến lược quản trị dữ liệu TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: TL |
Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai chiến lược quản trị dữ liệu (QTDL) TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để triển khai chiến lược QTDL hiệu quả, thời gian tới, các đơn vị địa phương cần hiểu đúng và thực hiện đúng về vấn đề này. Ngoài ra, các sở, ngành tiếp tục phối hợp các đơn vị tổ chức liên quan triển khai Chiến lược QTDL tại các địa bàn quận huyện, TP. Thủ Đức nhằm khai thác phát triển sử dụng dữ liệu hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ phối hợp nghiên cứu tham mưu thành lập trung tâm chuyển đổi số thành phố trong thời gian 6 tháng đầu năm. “Việc này nhằm để tham mưu UBND thành phố và kết nối sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức tham gia thống nhất các hoạt động trong triển khai công việc về chuyển đổi số” - ông Mãi nhấn mạnh.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Chiến lược QTDL của TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính. Đầu tiên là nhóm dữ liệu về người dân (nhóm dữ liệu hành chính, nhóm dữ liệu hộ tịch, nhóm dữ liệu y tế, nhóm dữ liệu giáo dục, nhóm dữ liệu an sinh). Thứ hai là nhóm dữ liệu tài chính-doanh nghiệp (nhóm dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, nhóm dữ liệu quản lý đầu tư công, nhóm dữ liệu doanh nghiệp-hộ kinh doanh cá thể). Thứ ba là nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị (nhóm dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, nhóm dữ liệu ngành xây dựng, nhóm dữ liệu giao thông, nhóm dữ liệu quy hoạch - kiến trúc). |