Những giải pháp hướng tới phát triển lành mạnh và bền vững thị trường công nghệ tài chính tại Trung Quốc
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:01, 27/03/2023
Công nghệ tài chính (fintech) đã mở rộng và phát triển với tốc độ kinh ngạc và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đã nhận thấy sự phát triển của fintech tại nước này còn thiếu cân đối và chưa tương xứng, đồng thời đặt ra những thách thức đối với chính sách tiền tệ và giám sát tài chính. Chính phủ Trung Quốc đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống các quy định quản lý, khuyến khích đổi mới, tăng cường cơ sở hạ tầng, thiết lập các tiêu chuẩn fintech và thúc đẩy việc sử dụng fintech trong giám sát…. nhằm hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững thị trường công nghệ tài chính Trung Quốc.
1. Xây dựng và ban hành các kế hoạch phát triển fintech
Ngay từ năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các kế hoạch, trong đó có Hướng dẫn và Kế hoạch thúc đẩy phát triển công nghệ; Kế hoạch thúc đẩy phát triển điện toán đám mây; Kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn. Tháng 7 năm 2017, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục công bố Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo. Các kế hoạch này đã kịp thời hỗ trợ cho việc củng cố và tiếp tục phát triển fintech tại Trung Quốc.
Các kế hoạch phát triển fintech quốc gia đã thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan quản lý và cải thiện sự liên kết giữa các cơ quan quản lý quốc gia và địa phương. Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu phát triển, định hướng chính và nhiệm vụ chủ yếu. Cuối năm 2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đã hợp tác với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) xây dựng và triển khai chương trình thử nghiệm fintech ở 10 tỉnh và thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông. Vào ngày 22 tháng 8 năm 2019, PBC đã công bố Kế hoạch Phát triển Fintech (2019–2021), trong đó nhấn mạnh vai trò của fintech như một “động cơ mới” để phát triển chất lượng cao, nêu bật các nhiệm vụ chính và tăng cường nhu cầu xây dựng một hệ thống quy định cơ bản và thống nhất, cũng như các ứng dụng để xác định, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, Ủy ban Fintech Trung Quốc cũng đã hợp tác với các nhà nghiên cứu trong ngành và trường đại học để phân loại tình trạng phát triển, triển vọng ứng dụng, ảnh hưởng và thách thức cũng như hàm ý chính sách.
2. Thiết lập hệ thống quy tắc giám sát fintech
Quy định thận trọng về fintech phải được tăng cường một cách có hệ thống. PBC công bố kế hoạch xem xét các chính sách quy định hiện hành, đánh giá các tình huống và xu hướng fintech để ban hành một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm 3 phần: các quy tắc giám sát về ứng dụng chung cơ bản; ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro; bảo mật. PBC, với tư cách là cơ quan quản lý hàng đầu về fintech, sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của fintech và các tác động đối với ổn định tài chính.
3. Tiêu chuẩn hóa tài chính
Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn tài chính Trung Quốc, trực thuộc PBC, được thành lập vào năm 1991. Trung Quốc đã trở thành một thành viên của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (International Organization for Standardization) (ISO/TC68) vào năm 2004, và PBC bắt đầu phát hành Báo cáo tài chính tiêu chuẩn của Trung Quốc từ năm 2009. Việc tiêu chuẩn hóa fintech là rất quan trọng để hình thành sức mạnh tổng hợp của các ngành, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực.
Tiêu chuẩn hóa thống nhất các doanh nghiệp khác nhau trong các quy tắc mã hóa, định dạng dữ liệu, cấu trúc báo cáo và các khía cạnh khác, có thể cải thiện hiệu quả của thị trường tài chính và cắt giảm chi phí giao dịch. Tính đến tháng 11 năm 2018, Trung Quốc đã có 67 tiêu chuẩn tài chính quốc gia được khuyến nghị có hiệu lực và 242 tiêu chuẩn ngành tài chính, được chia thành sáu loại: chung; sản phẩm và dịch vụ; cơ sở hạ tầng (công nghệ thông tin); thống kê; quy định và phòng ngừa rủi ro và kiểm soát.
Fintech liên tục đặt ra các yêu cầu mới về tiêu chuẩn hóa. Những thách thức bao gồm việc tích hợp các tiêu chuẩn fintech vào các tiêu chuẩn của ngành dịch vụ tài chính. Năm 2017, PBC và Ủy ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Tài chính Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác đã cùng ban hành Kế hoạch Phát triển Hệ thống Tiêu chuẩn hóa ngành Tài chính (2016–2020). PBC cũng tiến tới tiêu chuẩn hóa fintech mới, chẳng hạn như các tiêu chuẩn mới về điện toán đám mây và thanh toán bằng mã QR.
4. Cơ sở hạ tầng fintech
Cơ sở hạ tầng fintech được xây dựng tốt là điều quan trọng để duy trì sự ổn định tài chính, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tính trung lập trong cạnh tranh. Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc xây dựng mạng lưới, thanh toán, thông tin, chấm điểm tín dụng và các cơ sở hạ tầng khác. Điển hình là nền tảng thanh toán và bù trừ qua Internet của Tổ chức thanh toán phi ngân hàng đã trở thành những thành phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng tài chính của Trung Quốc. Tất cả các dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ định tuyến các giao dịch của họ thông qua nền tảng mới và sẽ gửi lệnh thanh toán bù trừ cho PBC. Mặc dù phức tạp hơn nhưng quy trình này không ảnh hưởng đến phía khách hàng.
Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thông tin nhằm hỗ trợ cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức thu thập thông tin về các sản phẩm, công ty và hoạt động fintech, ví dụ:
(1) Nền tảng Đăng ký Tài chính qua Internet và Dịch vụ công bố thông tin ra mắt vào tháng 3 năm 2017 kết nối hơn 100 nền tảng P2P và tạo điều kiện cho việc công bố thông tin về thể chế, hoạt động và tài chính;
(2) Nền tảng Chia sẻ Thông tin Tín dụng Tài chính qua Internet tích hợp thông tin để hỗ trợ giải quyết các vấn đề như “một người vay vay từ nhiều nền tảng” và ngăn chặn gian lận trong hoạt động vay tín dụng;
(3) Hệ thống Cảnh báo Rủi ro và Giám sát Thống kê Tài chính qua Internet thu thập nhiều loại dữ liệu và đặt ra 23 quy tắc để xác định các nền tảng và ngưỡng bất thường để đề phòng rủi ro;
(4) Nền tảng Thông tin Khiếu nại Tài chính qua Internet dành cho các cơ quan quản lý tài chính ngăn chặn các hoạt động vi phạm luật và các quy định.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin vẫn đang tiếp tục triển khai theo “Quan điểm về Đẩy mạnh công tác thống kê toàn diện của ngành công nghiệp tài chính” của Chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 4 năm 2018.
5. Bảo vệ và giáo dục nhà đầu tư và người tiêu dùng dịch vụ tài chính
Tháng 5 năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định “Hướng dẫn về tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dung dịch vụ tài chính” trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm của việc ban hành các quy định tài chính và hoạt động giám sát tài chính là bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng các dịch vụ tài chính. Trên tinh thần đó, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã tham gia nhiều vào việc bảo vệ và giáo dục nhà đầu tư, cụ thể là:
Đầu tiên, một chương trình lưu ký và giám sát của bên thứ ba đã được giới thiệu để đảm bảo an toàn cho tài sản của người tiêu dùng. Các khoản tiền được cho vay qua nền tảng phải được sử dụng hợp pháp và chỉ cho mục đích được liệt kê trong hợp đồng. Các ngân hàng đủ điều kiện hoạt động như các tổ chức tài chính lưu ký của bên thứ ba và chịu trách nhiệm nắm giữ, quản lý và chuyển tiền của nhà đầu tư trong các tổ chức fintech.
Thứ hai, công bố thông tin đã được củng cố. Các tổ chức Fintech được yêu cầu công bố thông tin hoạt động và tài chính một cách kịp thời, đồng thời có nghĩa vụ thực hiện thẩm định và đánh giá thông tin do các bên cho vay cung cấp. Các bên cho vay nền tảng được yêu cầu thông báo rõ ràng cho các nhà đầu tư về các rủi ro liên quan và các hoạt động bị cấm.
Thứ ba, các cơ quan quản lý tăng cường quản lý sự phù hợp của nhà đầu tư. Các tổ chức Fintech phải đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và đảm bảo người tiêu dùng đầu tư vào các sản phẩm phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Các quảng cáo về fintech và các sản phẩm quản lý tài sản không được có các hành động gian lận, đánh lừa các nhà đầu tư.
Thứ tư, giáo dục tiêu dùng tài chính được nâng cao. Các hình thức đào tạo khác nhau giúp người tiêu dùng tài chính tìm hiểu về fintech, đồng thời nâng cao hiểu biết về tài chính và khả năng quản lý rủi ro.
6. Tăng cường ứng dụng Regulatory Technology (RegTech)
Chính phủ Trung Quốc đang từng bước ứng dụng RegTech nhằm phát hiện các rủi ro tài chính một cách thông minh hơn, bao gồm: thiết lập cơ sở dữ liệu về các quy tắc quản lý kỹ thuật số ở một số khu vực và lĩnh vực được chọn; phát triển giao diện chương trình ứng dụng quy định có khả năng mở rộng; thúc đẩy thu thập dữ liệu tự động và phân tích rủi ro thông minh, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng giám sát rủi ro tài chính cho hoạt động kinh doanh tài chính di động.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng cải thiện tính bảo mật và tính toàn vẹn của các giao dịch tài chính, đồng thời tăng cường giám sát các hoạt động tài chính liên ngành và liên thị trường.
7. Tăng cường hoạt động giám sát fintech
Việc giám sát fintech ở Trung Quốc được chính phủ phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan quản lý tài chính lớn, các bộ liên quan của chính phủ trên trung ương và các cơ quan tài chính địa phương, đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan này; quy định rõ trách nhiệm giám sát các cổng thông tin tài chính internet và trách nhiệm giám sát bảo mật dịch vụ và điều tra các hành vi nghi ngờ và các tội phạm tài chính khác liên quan đến cho vay fintech; trách nhiệm của các cơ quan chức năng tài chính địa phương tiến hành giám sát thận trọng các nền tảng đăng ký tại địa phương, mặc dù các doanh nghiệp fintech không phải chịu giới hạn hoạt động theo giới hạn địa lý. Đồng thời, chính phủ cũng nhấn mạnh sự hợp tác và tự điều chỉnh trong ngành công nghiệp fintech.
Cơ chế thí điểm hoạt động công nghệ tài chính (sandbox) được kết hợp với cách tiếp cận danh mục tiêu cực để vừa thúc đẩy fintech đổi mới và đồng thời ngăn ngừa rủi ro tài chính. Trung Quốc đã cải cách các hoạt động thí điểm fintech theo khu vực cho thấy thái độ kiểm soát tổng thể của chính phủ đối với các vấn đề mới nổi. Mặc dù khác với sandbox fintech thông thường, việc áp dụng các cơ chế thí điểm tài chính cho fintech nói trên giúp đánh giá ảnh hưởng của nó và tổng hợp kinh nghiệm có giá trị để tiến hành cải cách ở cấp quốc gia. Trên tinh thần giám sát từ dưới lên, danh sách tiêu cực của fintech được đưa ra vì sự chậm trễ trong quy định và nhằm mục đích cấm các hoạt động gây nguy hiểm cho tính bền vững. Lấy việc giám sát hoạt động cho vay ngang hàng P2P làm ví dụ, fintech được định nghĩa là trung gian thông tin thay vì trung gian tín dụng. “Các biện pháp tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh của trung gian thông tin tín dụng trực tuyến”, ban hành năm 2015 đặt ra danh sách tiêu cực cho các nền tảng cho vay trực tuyến và các hoạt động sau bị cấm: trực tiếp tham gia vào giao dịch cho vay, tạo điều kiện và/hoặc thúc đẩy giao dịch cho vay và tham gia vào hoạt động kinh doanh tài chính có rủi ro cao. Các quy tắc chi tiết đối với hoạt động này đã được ban hành vào năm 2016 theo đó liệt kê 13 hoạt động bị cấm.
Cùng với những giải pháp hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững thị trường công nghệ tài chính nói trên, những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp quyết liệt tăng cường quản lý của các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương nhằm kiểm soát các loại rủi ro tài chính, rủi ro xã hội và ngăn chặn sự thao túng thị trường tài chính của các công ty công nghệ tài chính lớn. Các hành động chính sách này của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến một số những ý kiến đánh giá trái nhiều, những phản ứng của một số công ty fintech lớn và cũng đã dẫn đến nhiều cổ phiếu của các công ty fintech Trung Quốc sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng sự điều chỉnh mục tiêu chính sách đối với các công ty fintech nói chung cũng như những giải pháp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc nói trên đối với các công ty fintech lớn là “kịp thời, cần thiết và bắt kịp với thời đại” vì nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Australia và Liên minh châu Âu cũng đang triển khai các biện pháp đối với những công ty fintech lớn nhằm hướng tới một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp.