Sự phát triển của công nghệ tài chính tại Trung Quốc

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:14, 24/03/2023

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường công nghệ tài chính của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhờ có sự tham gia tích cực và năng động của các định chế tài chính truyền thống, các công ty fintech và các nhà cung cấp dịch vụ thị trường.

Công nghệ tài chính (fintech) Trung Quốc đã mở rộng và phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong suốt những năm qua. Đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã trở thành thị trường tài chính trực tuyến lớn nhất trên thế giới, với tổng số giao dịch vượt quá 150 tỷ US$ (Li 2015).

Hoạt động của các fintech tại Trung quốc đã phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực, từ thanh toán, cho vay trực tuyến, quản lý tài sản kỹ thuật số, bảo hiểm và ngân hàng số. Riêng trong thanh toán, các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động công nghệ lớn của Trung Quốc đạt 14,5 nghìn tỷ CNY vào năm 2017, lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ 16% trên tổng sản phẩm quốc nội (Frost và cộng sự, 2019). Theo cơ quan tư vấn iResearch, quy mô thị trường thanh toán bên thứ ba của Trung Quốc đạt 12,4 nghìn tỷ CNY vào năm 2018, trong đó thanh toán qua điện thoại di động chiếm 61,9%, gần gấp ba lần so với Hoa Kỳ.

fintech-.jpg
Tập đoàn Ant Group. (Nguồn: pymnts)

Các tổ chức tham gia phát triển thị trường fintech tại Trung Quốc

Thị trường công nghệ tài chính của Trung Quốc chứng kiến sự chuyển hướng mạnh mẽ của các tổ chức tài chính truyền thống đồng thời với sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp nhưng đã nhanh chóng bị thống trị bởi các công ty internet khổng lồ như Baidu, Ant Financial, Tencent (được gọi là “BAT”) và JD Finance - những công ty sử dụng cơ sở khách hàng và cơ sở dữ liệu lớn của họ để xây dựng hệ sinh thái tích hợp của các dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ thanh toán, tài chính, quản lý tài sản, bảo hiểm...

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường công nghệ tài chính của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhờ có sự tham gia tích cực và năng động của các định chế tài chính truyền thống, các công ty fintech và các nhà cung cấp dịch vụ thị trường.

Các tổ chức tài chính truyền thống mở rộng sang công nghệ tài chính

Các tổ chức tài chính truyền thống áp dụng tiến bộ công nghệ để cải thiện dịch vụ, khám phá đổi mới mô hình kinh doanh và tăng cường quản lý rủi ro. Họ hợp tác với các công ty công nghệ, hoặc tạo ra fintech của riêng họ, hoặc cả hai.

Thứ nhất, các tổ chức tài chính truyền thống thích ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các ngân hàng truyền thống cải thiện khả năng tiếp cận và sự tiện lợi của các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng trực tuyến, ngân hàng trên điện thoại di động, kết nối lại với các chi nhánh ngân hàng và hợp tác xã với các bên thứ ba. Ví dụ: Bank of China tách ra một công ty riêng có tên BOC Consumer Finance, đồng thời ngân hàng này lại hợp tác với Tencent để khởi động một phòng thử nghiệm fintech. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China) hợp tác với JD Finance để số hóa các dịch vụ của họ, trong khi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricutural Bank of China) hợp tác với Baidu còn Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank) hợp tác với Ant Financial.

Thứ hai, các ngân hàng truyền thống khám phá đổi mới mô hình kinh doanh. Ví dụ điển hình là ngân hàng trực tuyến, không có mạng lưới chi nhánh và không phát hành thẻ ngân hàng, nhưng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông qua ngân hàng trực tuyến. Bộ phận ngân hàng trực tuyến có thể được tổ chức như một ngân hàng độc lập, một bộ phận hoặc một công ty con riêng biệt của một ngân hàng (chẳng hạn như AIBank). Kể từ khi Ngân hàng Bắc Kinh ra mắt ngân hàng trực tuyến đầu tiên vào năm 2013, đã có hơn 50 ngân hàng trực tuyến ra đời ở Trung Quốc, hầu hết trong số đó áp dụng cơ cấu bộ phận.

Thứ ba, công nghệ được áp dụng rộng rãi để cải thiện quản lý rủi ro. Công nghệ dữ liệu lớn được sử dụng để phát triển mô hình cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, cũng như thực tiễn tại Ngân hàng Bán buôn Trung Quốc (China Merchants Bank). Để bổ sung các kỹ thuật xác minh khách hàng hiện có, các ngân hàng như WeBank áp dụng công nghệ sinh trắc học để sử dụng với ngân hàng qua điện thoại di động, giao dịch tại quầy, máy ATM và các tình huống trực tuyến và ngoại tuyến khác. Ngoài ra, công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng để xác định và ngăn chặn gian lận. Ví dụ, Ngân hàng Công thương Trung Quốc áp dụng các biện pháp chứng nhận bảo mật cho mỗi giao dịch.

Các công ty bảo hiểm đầu tư vào công nghệ, tập trung vào phân phối trực tuyến và hợp tác với các công ty công nghệ. Ví dụ, gã khổng lồ bảo hiểm Ping An đã phát triển nhiều nền tảng kỹ thuật số và mở rộng sang các lĩnh vực fintech chính bao gồm ngân hàng, quản lý tài sản và thanh toán.

Các công ty Fintech

Các công ty Fintech đã tham gia rộng rãi vào các ngành nghề kinh doanh, chẳng hạn như thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, ngân hàng kỹ thuật số, bảo hiểm và chấm điểm xếp hạng tín dụng. Trong số tất cả các ngành nghề kinh doanh, thanh toán là được sự tập trung cao của các công ty fintech, là cơ sở để mở rộng xây dựng nhiều ứng dụng tài chính khác. Các công ty “BAT” kiểm soát hơn 80% thị trường thanh toán qua điện thoại di động của Trung Quốc, trong đó Alipay của Ant Financial chiếm khoảng 50% thị phần và Tenpay của Tencent chiếm gần 20%.

Việc chấm điểm tín dụng xã hội cũng được sự tập trung cao của các công ty fintech, trong khi các tổ chức truyền thống có vị thế tốt trong lĩnh vực bảo hiểm internet, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, các gã khổng lồ fintech của Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ra toàn cầu và đầu tư vào các công nghệ thế hệ tiếp theo. Các ưu tiên công nghệ hàng đầu của Alibaba và Tencent bao gồm điện toán đám mây, blockchain, trí tuệ nhân tạo...

Các công ty khởi nghiệp Fintech lấp đầy khoảng trống của các thị trường chưa được phục vụ, chủ yếu là tín dụng/cho vay ngang hàng (P2P) và quản lý tài sản. Ví dụ điển hình về các công ty khởi nghiệp về tín dụng/cho vay ngang hàng bao gồm Qudian.com, ppdai.com, Dianrong.com và Yirendai. Các công ty khởi nghiệp quản lý tài sản (quỹ thị trường tiền tệ) bao gồm CreditEase, Golden Axe, Wacai và Suishouji. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp như YeePay và Ping ++ cung cấp dịch vụ thanh toán, eBaoTech và Cheche Tech chuyên về bảo hiểm trực tuyến.

Các nhà cung cấp dịch vụ thị trường

Các nền tảng tổng hợp trực tuyến tích hợp cùng một loại dịch vụ được cung cấp bởi các đại lý khác nhau cho một cổng vào duy nhất nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng và giảm chi phí. Ví dụ: bằng cách chuyển thông tin sản phẩm của các tổ chức tài chính thành thông tin chuẩn hóa, Rong360 xây dựng chế độ tìm kiếm dọc để giúp người dùng có được các dịch vụ tài chính phù hợp và kết nối người tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với các ngân hàng, công ty cho vay nhỏ, và các tổ chức tài chính khác.

Xác thực danh tính kỹ thuật số của các ngân hàng và tổ chức thanh toán chủ yếu được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp dịch vụ thị trường, hiện đang sử dụng dữ liệu lớn, chứng chỉ kỹ thuật số, sinh trắc học và công nghệ khác cho việc này. iFLYTEK và Fosafer là những công ty đi đầu trong nhận dạng sinh trắc học, bao gồm nhận dạng khuôn mặt, giọng nói và dấu vân tay.

Các ứng dụng công nghệ tài khoản phân tán cũng được khám phá ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thanh toán, thanh toán bù trừ và quyết toán, đăng ký chứng khoán. Một số công ty công nghệ như LinkTime, Bubi và Bumeng cũng đã bắt đầu cung cấp cho các doanh nghiệp các giải pháp ngành và hỗ trợ công nghệ cơ bản của blockchain.

Ba nhân tố dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường fintech ở Trung Quốc

Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích các nhân tố dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường fintech ở Trung Quốc, tập hợp lại có thể do ba nhấn tố chính, đó là do nhu cầu lớn của thị trường đối với các dịch vụ tài chính, tiến bộ công nghệ và môi trường pháp lý hỗ trợ.

Thứ nhất, nhu cầu về dịch vụ tài chính chính là động lực cơ bản nhất cho sự phát triển của fintech ở Trung Quốc. Mặc dù trong suốt bốn thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến hành cải cách sâu rộng nhưng nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính vẫn chưa được đáp ứng và thực tế vẫn tồn tại sự kìm hãm, hạn chế về tài chính trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chỉ có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng một cách hạn chế do bất cân xứng thông tin nghiêm trọng, nhu cầu đầu tư và tài chính của người dân[1] phần lớn không được đáp ứng do sự phát triển lạc hậu của thị trường vốn. Ngoài ra, cư dân có yêu cầu cao hơn về sự tiện lợi của các dịch vụ tài chính. Tất cả những điều này để lại chỗ cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng. Như đã chỉ ra trong kết quả khảo sát chính thức mới đây, tỷ lệ chấp nhận fintech của các SME tại Trung Quốc đạt 61%, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ (23%), Vương quốc Anh (18%), Nam Phi (16%) và mức trung bình toàn cầu (25%)).

Thứ hai, tiến bộ công nghệ đã thúc đẩy đáng kể nguồn cung tài chính. Số hóa thông tin tài chính làm giảm sự bất cân xứng của thông tin, giảm trung gian tài chính, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của các dịch vụ tài chính và mở rộng mạng lưới bao phủ của các dịch vụ tài chính. Sự thành công trong lĩnh vực fintech của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy thông qua các nền tảng truyền thông xã hội hiện có và hệ sinh thái thương mại điện tử rộng lớn, qua đó các công ty công nghệ thu thập được lượng lớn khách hàng và giao dịch. Các ứng dụng công nghệ khác cũng thúc đẩy sự phát triển của fintech, bao gồm điện thoại thông minh và thương mại điện tử, và các công nghệ mới nổi như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và blockchain.

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống quy định thân thiện với sự đổi mới fintech và một môi trường chính sách lành mạnh. Trong khi nhiều quốc gia đã thắt chặt quy định tài chính kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích cho các fintech tăng cường cung cấp dịch vụ cho những khách hàng có rủi ro cao mà ngân hàng truyền thống không đáp ứng được nhu cầu tài chính. Chính phủ Trung Quốc đã chủ động cung cấp một môi trường hỗ trợ, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và sớm ban hành các quy định hỗ trợ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển fintech (Zhang và Chen 2019). Các biện pháp này có hiệu quả để nâng cao hiệu quả thị trường và thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện. Một lượng lớn vốn đã được thu hút vào thị trường fintech của Trung Quốc từ đó nhanh chóng tạo ra lợi thế về quy mô.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng nhận thấy rằng cùng với sự phát triển và mở rộng nhanh chóng thì rủi ro của thị trường công nghệ tài chính Trung Quốc cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp, tăng cường các qui định pháp lý để ngăn chặn rủi ro và giảm thiểu gian lận.

Điều chỉnh chính sách và mục tiêu của chính phủ Trung Quốc

Rủi ro của fintech liên quan đến sự ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh và hiệu quả của thị trường tài chính cũng như các hoạt động bất hợp pháp. Fintech không làm thay đổi bản chất của rủi ro tài chính, mà thay vào đó làm cho rủi ro tài chính tiềm ẩn, bất ngờ, dễ lây lan và có tính hệ thống hơn.

Ezubao, một nền tảng cho vay ngang hàng (P2P), là một ví dụ điển hình, sự thất bại của nó đã dẫn đến những rủi ro vỡ nợ của ngành cho vay ngang hàng P2P. Ezubao, được thành lập vào tháng 7 năm 2014, ngừng hoạt động vào tháng 12 năm 2015 và cuối cùng đóng cửa vào tháng 2 năm 2016, đã đăng các quảng cáo giả mạo về các dự án của mình và hoạt động như một kế hoạch Ponzi, với ước tính 50 tỷ CNY và 900.000 nhà đầu tư tham gia.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có những bước điều chỉnh về chính sách, chuyển từ mục tiêu tạo dựng môi trường chính sách ủng hộ các đổi mới fintech sang mục tiêu xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện, thắt chặt quản lý cùng với việc phân định rõ trách nhiệm của tất cả các cơ quan quản lý tài chính trong việc giám sát tài chính internet. Ban hành các nguyên tắc cốt lõi về giám sát hợp nhất, giám sát hợp pháp, giám sát dựa trên các danh mục, giám sát hợp tác và giám sát đổi mới đối với fintech. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc ban hành văn bản và hợp tác giám sát. Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là ngăn chặn và giảm thiểu tối đa các loại rủi ro tiềm ẩn tích lũy trong thời gian vừa qua đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và bền vững thị trường fintech và tài chính internet, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích đổi mới công nghệ tài chính với mục tiêu ngăn ngừa rủi ro tài chính.



[1] Tài chính Internet có thể được coi là phiên bản đầu tiên của fintech ở Trung Quốc. Cả tài chính fintech và internet đều dựa trên sức mạnh tổng hợp giữa tài chính và công nghệ.

Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng IDS