Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:38, 20/03/2023
Nhằm mục đích xử lý những tồn tại và rủi ro hệ thống trong vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu phát hành riêng lẻ nói riêng, mấu chốt của vấn đề là làm sao cho thị trường được minh bạch, chất lượng tổ chức phát hành được nâng cao từ đó lấy lại được niềm tin nơi nhà đầu tư (NĐT). Muốn làm được như vậy cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng. Do đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ nhất, kiểm soát việc “đại chúng hóa” ở thị trường thứ cấp của trái phiếu. Trong đó quy định rõ tổ chức tài chính, cá nhân đủ điều kiện, có giấy phép hành nghề mới được thực hiện nghiệp vụ phân phối (trái phiếu phát hành riêng lẻ). Các tổ chức, cá nhân phân phối, tư vấn cần phải nâng cao vai trò của mình trong việc giúp nhà đầu tư hiểu đâu là trái phiếu ra công chúng, đâu là trái phiếu riêng lẻ để từ đó nhận biết được những lợi ích cũng như rủi ro mà mình gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu.
Ngoài ra, việc kiểm soát chặt quá trình phân phối trái phiếu còn giúp đưa các sản phẩm trái phiếu về đúng bản chất và vai trò của nó. Một trong những lý do chính đó là việc phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ đang nhắc đến những đợt phát hành ở thị trường sơ cấp, mặc dù luật cũng như nghị định đều đưa ra những quy định đối với thị trường sơ cấp nhưng quên mất thị trường thứ cấp, dẫn đến nếu việc cho phép mua đi, bán lại, “đại chúng hóa” ở thị trường thứ cấp, thì bản chất của phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ là gần như giống nhau. Do vậy việc kiểm soát, giám sát phạm vi, khối lượng, đối tượng nhà đầu tư tham gia nắm giữ là hết sức cần thiết. Điều này đã được quy định với nhóm cổ phiếu, tuy nhiên nhóm trái phiếu lại chưa có những quy định tương tự.
Nên tăng cường khuyến khích và định hướng dòng tiền của những nhà đầu tư tới việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng để giảm thiểu rủi ro, trong khi trái phiếu riêng lẻ chỉ được phép cung cấp hoặc phân phối lại cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên để làm được những điều trên thì các cơ quan quản lý và giám sát thị trường tài chính cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ việc có hay không “đại chúng hóa” trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức tài chính, từ đó đưa ra các phương án xử lý, ngăn chặn kịp thời tránh ảnh hưởng lớn tới nhà đầu tư, cũng như đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch của thị trường.
Thứ hai, thành lập mới hoặc giao cho một cơ quan chuyên môn đủ quy mô và thẩm quyền giám sát các doanh nghiệp phát hành cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành để kịp thời đưa ra cảnh báo, chấn chỉnh các hành vi sai phạm nếu có. Khi phát hiện sai phạm cần có các chế tài như: Không cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp một thời gian sau khi sai phạm được khắc phục; Công bố thông tin sai phạm rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hủy tư cách phát hành của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép của tổ chức phát hành trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhiều lần.
Thứ ba, nâng cao chất lượng tổ chức phát hành, chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy: Doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Điều này làm giảm sự phụ thuộc vào trái phiếu là nguồn vốn chính, giảm áp lực thanh toán nợ và chi phi phí vốn của doanh nghiệp.
Đồng thời, giới hạn khối lượng mua riêng lẻ không thông qua sàn giao dịch hoặc tổ chức phát hành chính thức. Điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức phát hành có uy tín, minh bạch và có khả năng thanh toán cao. Nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận với các tư vấn viên chuyên nghiệp để có được báo cáo phân tích và đánh giá kỹ càng hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát và kiểm soát việc phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản kém chất lượng. Những doanh nghiệp này cần công bố thông tin minh bạch về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn và rủi ro liên quan, qua đó làm giảm áp lực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ tư, xây dựng hành lang khung pháp lý nhằm hạn chế đối với những hành động tiêu cực liên quan đến mời chào, lôi kéo đối với các nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi tham gia mua/bán các loại hình trái phiếu phát hành riêng lẻ đồng thời xử lý mạnh tay với những nhà đầu tư cố tình “lách luật” trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia các sản phẩm trái phiếu phát hành riêng lẻ để phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó quy định rõ và đưa ra những khung hình phạt tương xứng với mức độ vi phạm. Trước khi áp dụng hình phạt cần phải nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, giúp cho nhà đầu tư hiểu đúng và hiểu rõ bản chất của sản phẩm tài chính mà mình đang nắm giữ.
Thứ năm, đưa ra bộ khung chỉ tiêu tài chính tối thiểu để đáp ứng phát hành trái phiếu đối với từng lĩnh vực kinh doanh, cụ thể có thể đưa ra những đề xuất về tỷ lệ đòn bẩy tối đa cho phép cho các nhóm ngành, để các doanh nghiệp có thể tham khảo, điều chỉnh quy mô cũng như giá trị phát hành phù hợp với tình hình sức khỏe tài chính, cũng như mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong ngành, ngoài ra còn giảm thiểu được rủi ro các doanh nghiệp lạm dụng phát hành trái phiếu, thu tiền về sử dụng không đúng mục đích. Hiện đã có quy định về tỷ lệ này ở một số nhóm ngành như chứng khoán với tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không được quá 5 lần, hay Ngân hàng Nhà nước cũng quy định tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại không được vượt quá 3 lần.
Bên cạnh đó, kiến nghị cần phải coi tỷ lệ đòn bẩy như là một “room tín dụng” với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, các cơ quan quản lý cần phải có nhiệm vụ đánh giá nhu cầu về vốn vay của từng nhóm ngành theo từng năm để đưa ra một tỷ lệ thích hợp, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ này theo tình hình kinh tế, vĩ mô, phù hợp với quy mô doanh nghiệp có nhu cầu phát hành để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn, huy động tràn lan hàng loạt trái phiếu riêng lẻ có giá trị lớn trong thời gian vừa qua.
Đối với riêng từng lĩnh vực như trên, ngoài việc có bộ khung chỉ tiêu tài chính đáp ứng phát hành cần có sự phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các định chế tài chính và các loại hình doanh nghiệp khác trong những nghị định sửa đổi sắp tới. Thực tế cho thấy các định chế tài chính (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán…) khi phát hành trái phiếu riêng lẻ ngoài việc bị điều chỉnh bởi các nghị định chung về trái phiếu, còn bị điều chỉnh bởi các luật, thông tư khác như luật các tổ chức tín dụng, thông tư về tỷ lệ an toàn vốn khiến cho việc phát hành riêng lẻ trở nên khó khăn hơn. Do vậy cần có sự phân biệt để tránh ảnh hưởng tới những tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm.
Thứ sáu, khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hiện tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể vào việc tham gia xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên cần phải xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, giúp nâng hạng thị trường vốn Việt Nam, điều mà nhiều nước phát triển trong khu vực đã có từ rất lâu. Bên cạnh đó cũng theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ: sẽ có kế hoạch cấp phép cho 3 đơn vị nữa để đảm bảo kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Khuyến khích các tổ chức độc lập về tư vấn đầu tư trái phiếu ở quy mô lớn với nhiệm vụ thẩm tra chuyên sâu, đánh giá dòng tiền, sức mạnh tài chính của doanh nghiệp để tránh xung đột lợi ích với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đây có thể được coi như là một người đồng hành của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thêm một nguồn tham khảo tin cậy, và cái nhìn chuyên sâu hơn về trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ. Đồng thời thêm các kênh thông tin trao đổi như diễn đàn, website, workshops để cho các chuyên gia tài chính, chuyên gia phân tích đang có giấy phép hành nghề trên thị trường, nhà đầu tư cùng tham gia thảo luận, đánh giá các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực. Tăng cường sự minh bạch và công bố thông tin về tình hình kinh tế, tài chính và nợ công của Việt Nam để giúp các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực có được dữ liệu chính xác và đầy đủ. Tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ bảy, để phát triển toàn diện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng, tính minh bạch đối với trái phiếu riêng lẻ, cũng cần chú ý khuyến khích, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết phát triển song song. Trong đó, Chính phủ và các tổ chức liên quan cần cung cấp các chính sách hỗ trợ, đẩy nhanh quy trình phê duyệt cho các doanh nghiệp niêm yết trái phiếu, khuyến khích cơ quan quản lý rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Từ đó tiếp cận được với đại đa số nhà đầu tư để huy động nguồn vốn cũng như đa dạng hóa danh mục trái phiếu doanh nghiệp niêm yết có chất lượng.
Đồng thời các cơ quan chức năng cũng nên tích cực, tăng cường quảng bá các sản phẩm trái phiếu niêm yết, giới thiệu những lợi ích của trái phiếu niêm yết, để tăng thêm sự thu hút của nhà đầu tư và chú trọng tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các nước phát triển trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.
- TPDN
- TPDN riêng lẻ
- trái phiếu DN