TS. Nguyễn Đức Kiên: Không có doanh nghiệp 'Too big to fail'
Tin tức - Ngày đăng : 20:48, 15/03/2023
Theo ước tính, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đến thời kỳ đáo hạn. Riêng trong năm 2023 và 2024, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản rất lớn, với lần lượt là hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng. Đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, đã thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi. Điều này mang tới lo ngại, nếu không có các chính sách xử lý triệt để, nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu sẽ sớm trở thành hiệu ứng Domino.
Tuy nhiên, để giải bài toán cho thị trường TPDN, mà rộng hơn là thị trường vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế là không hề đơn giản trong bối cảnh cùng lúc thế giới và Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, lạm phát tăng cao, giá nguyên vật liệu, thực phẩm tăng phi mã, các dòng vốn hoảng loạn tìm kênh tránh trú an toàn.
Để có thêm góc nhìn về thị trường TPDN trong nước đến thời điểm hiện tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng tới một thị trường bền vững, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Trước tiên, xin ông cho biết đánh giá về lý do tại sao thị trường TPDN lại đi tới tình cảnh khó khăn như hiện nay?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta cần nhìn sâu vào bản chất của thị trường tài chính, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thấy được nguyên nhân dẫn tới cơ sự của ngày hôm nay.
Theo tôi, ba nguyên nhân chính gồm: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, do buông lỏng quản lý; Thứ 2 là doanh nghiệp phát hành quá tham lam nên không thấy và không thực thi trách nhiệm sau khi phát hành trái phiếu, chủ yếu chạy theo lợi nhuận; Thứ 3 là nhà đầu tư ít kinh nghiệm và nhỏ lẻ.
Vì doanh nghiệp không tiết chế được lòng tham nên dẫn tới vô lối, có doanh nghiệp triển khai tới 40, 50 dự án, dự án nào cũng hàng nghìn tỷ đồng thì năng lực đâu để thực thi? Chưa nói tới rủi ro thị trường không được doanh nghiệp tính tới.
Vậy đâu là giải pháp cho thị trường TPDN thời gian tới? Liệu Nghị định 08 vừa ban hành có phải là liều thuốc giải?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Một câu chuyện tuy xa mà gần là mới đây 2 ngân hàng có quy mô tài sản rất lớn của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã buộc phải đóng cửa vì mất thanh khoản do việc phát hành và mua trái phiếu một cách không kiểm soát; ảnh hưởng từ động thái FED đẩy mạnh tăng lãi suất và ngân hàng đã không dự báo đúng tình hình. Ngân hàng này đã nhanh chóng phải trả giá, buộc phải phá sản, tài sản được xử lý để trả cho người gửi tiền. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, không có định chế nào "quá lớn để sụp đổ" trên thị trường khốc liệt và đầy rẫy rủi ro.
Với những doanh nghiệp trong nước, thời gian vừa qua chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ tới sự phát triển bền vững của mình và thị trường, không quản trị được rủi ro thì doanh nghiệp đó cũng phải trả giá, đào thải. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, trong số hơn 290.000 tỷ TPDN đáo hạn năm 2023 chưa có doanh nghiệp nào bị phá sản. Vấn đề này cần đặt lên bàn cân khi xử lý thị trường trái phiếu.
Câu chuyện PSI - đơn vị quản lý 1.000 tỷ đồng trái phiếu của NVL yêu cầu nhà phát hành thanh toán gốc lãi trái phiếu, không đồng ý với yêu cầu giãn nợ, quy đổi tài sản từ phía doanh nghiệp có thể coi là điển hình phản ánh đúng nhất tín hiệu của thị trường.
Việc ban hành liên tiếp các Nghị định từ 65 đến 08 quy định về hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ (chỉ vỏn vẹn trong vài tháng) phản ánh một "nỗi lo sợ" của cơ quan quản lý nhà nước khi thị trường TPDN đứng trước nguy cơ "vỡ trận". Tuy nhiên, dường như các quy định mới đang chưa đi đúng hướng khi chỉ siết lại quy định về "nhà đầu tư" mà quên mất việc phải siết chặt lại "đơn vị phát hành" - đây chính là một trong các nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng vỡ nợ của thị trường ngày hôm nay. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý đã không kiểm soát được các hoạt động trên thị trường.
Việc lùi thời gian áp dụng các quy định siết chặt tại Nghị định 65 tại Nghị định 08 giống như thấy người ta sốt cao thì cho uống hạ sốt mà không tìm ra được căn nguyên của bệnh để điều trị tận gốc, là sự trốn tránh đổ vỡ cho một vài "con bệnh", trốn tránh sự trừng phạt của thị trường lên một số nhà phát hành. Tuy nhiên, ngược lại đó cũng là một khoảng thời gian quý giá cho các nhà phát hành trái phiếu.
Vậy ông dự báo thế nào về thị trường TPDN năm 2023 và phải làm gì để có một thị trường trái phiếu bền vững, đúng nghĩa kênh vốn trung, dài hạn tin cậy của nền kinh tế?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2023, về cơ bản số lượng TPDN phát hành mới sẽ không tăng nhưng chất lượng sẽ tốt hơn.
Nghị định 08 là một phương thuốc tạm thời cứu các nhà phát hành, mở ra cho các doanh nghiệp thêm nhiều khả năng được nhà nước công nhận để đi đàm phán với các trái chủ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nghị định vẫn là văn bản đặt dưới Luật, ở đây lưu ý là Luật Dân sự, quyền của trái chủ là khi không đạt được thoả thuận mới thì doanh nghiệp buộc phải thực hiện cam kết.
Khi trái chủ mua trái phiếu là đã thực hiện đúng hợp đồng kinh tế, đã giao kết, đưa đủ tiền cho doanh nghiệp, như vậy là hết trách nhiệm. Đến thời điểm này, trái chủ có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ theo cam kết là thanh toán gốc, lãi, trừ khi đạt được một thoả thuận khác.
Muốn để thị trường phát triển bền vững, doanh nghiệp phải tự nhìn lại và chịu trách nhiệm về những gì đã làm trong suốt thời gian qua. Doanh nghiệp cần phải chấp chận rằng, không phải lúc nào làm ăn cũng có lãi và chấp nhận quy luật của nền kinh tế thị trường, lắng nghe thị trường. Điều quan trọng hơn cả lúc này là nhà phát hành phải biết tiết chế lòng tham, triệt để tuân thủ pháp luật, có phương án dự phòng, hướng tới công khai và minh bạch.
Đối với các trái chủ cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành để đi tới quyết định đồng hành hay dừng lại. Đó là quyền của trái chủ. Cùng với đó, trái chủ cũng cần có trách nhiệm với đồng tiền bỏ ra là tìm hiểu, đánh giá lại chất lượng của doanh nghiệp, cả về dự án, tài chính, quản trị doanh nghiệp. Không có năng lực, trái chủ có thể thuê công ty tư vấn, chọn đơn vị quản lý.
Niềm tin trên thị trường sẽ được lấy lại khi doanh nghiệp phát hành trả lãi, gốc đầy đủ, đúng hạn. Hoạt động phát hành sẽ tăng trở lại khi nhà đầu tư thấy doanh nghiệp phát hành thực hiện đúng cam kết. Đó là nguyên tắc của thị trường.
Xin cảm ơn Ông!
Góp phần tìm giải pháp khơi thông thị trường vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, sáng ngày 17/03 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn sẽ tổ chức Toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn".
Toạ đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp/ tập đoàn tư nhân.
Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, chuyên trang tiếng Anh Theinvestor.vn, hứa hẹn sẽ góp phần tìm ra lời giải cho cơ quan quản lý cũng như cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp trong bài toán khơi thông nguồn vốn nền kinh tế.