GS-TS. Andreas Stoffers: Vì sao những cuộc 'hôn phối' giữa ngân hàng ngoại và ngân hàng Việt không bền?

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:46, 16/02/2023

15-20 năm trước, nhiều ngân hàng nước ngoài "kết duyên" với ngân hàng Việt Nam, trở thành nhà đầu tư chiến lược. Nhiều trong số các "cặp đôi" này đã "ly hôn".
ADR

Ông Andreas Stoffers, giám đốc Friedrich Naumann Việt Nam, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Deutsche Bank Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

GS-TS. Andreas Stoffers, nguyên thành viên HĐQT Deutsche Bank Việt Nam chia sẻ với Nhadautu.vn về những bí quyết vun đắp các mối quan hệ ngân hàng nước ngoài với ngân hàng Việt Nam.

Năm 2007, Deutsche Bank mua 10% cổ phần của Habubank, trở thành cổ đông chiến lược. Là nhân vật số 2 của Deutsche Bank Việt Nam thời điểm đó, ông có những kỷ niệm buồn, vui gì đáng nhớ khi làm việc với Habubank?

Ông Andreas Stoffers: Tôi là người lạc quan, suy nghĩ tích cực. Vì thế, tôi luôn nhìn lại quãng thời gian làm trong ngành ngân hàng Việt Nam với lòng biết ơn và những kỷ niệm đẹp. Điều đặc biệt hấp dẫn là tôi có thể mang những kiến thức, kinh nghiệm có được ở Đức đến một thị trường mới nổi thú vị như Việt Nam. Nó thú vị hơn các thị trường đã phát triển, bão hòa. Người ta có thể nhanh chóng nhìn thấy thành công hay thất bại ở Việt Nam.

Tôi yêu Việt Nam và con người nơi đây ngay từ những ngày đầu. Tôi bị hấp dẫn bởi sự thân thiện, cởi mở của các đồng nghiệp Việt Nam và nhiều người từ giới báo chí, chính trị, kinh doanh. Nhìn lại, tôi biết ơn vì đã học được nhiều điều để thành công ở Việt Nam, từ những trở ngại, khó khăn, những rắc rối mà tôi gặp hàng ngày.

Nhiều ngân hàng nước ngoài bước vào "hôn nhân" tại Việt Nam và sau đó chứng kiến sự đổ vỡ, như Deutsche Bank-Habubank, ANZ-Sacombank, HSBC-Techcombank, Standard Chartered-ACB, OCBC-VPBank, SMBC-Eximbank. Có lý do nào chung cho những cuộc "chia tay" này không, thưa ông?

Ông Andreas Stoffers: Giữa những năm 2000, các ngân hàng nước ngoài đổ đến thị trường Việt Nam tìm kiếm cơ hội vàng. Công cuộc Đổi mới đem lại những thành công cho Việt Nam và mọi người đều muốn tham gia vào quá trình phát triển này.

Thị trường chứng khoán TP.HCM và Hà Nội chính thức đi vào hoạt động lần lượt vào năm 2000 và 2005. Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Trước đó không lâu, nhiều ngân hàng nước ngoài như Societé Générale, Citibank, HSBC, ANZ và Deutsche Bank đã đến Việt Nam. Tràn đầy sự hưng phấn, họ bước vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ một mình hoặc "kết duyên" với một ngân hàng Việt Nam thông qua cổ phần "chiến lược" 10% hoặc hơn.

Vài năm sau, sự thất vọng lan rộng. Mọi thứ dường như không theo hướng họ mong muốn. Và thực sự, hợp tác không phải lúc nào cũng như ý, một mặt do thiếu nghiên cứu kỹ về văn hóa trước "hôn nhân", mặt khác do các điều kiện thực tế như trần lãi suất, hoạt động ngân hàng thị trường "chợ đen" tràn lan, quản lý rủi ro có vấn đề, và những "vật vã" khi muốn đưa ra những sản phẩm mới.

Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động ngân hàng bán lẻ nhìn chung tăng trưởng chậm hơn dự kiến và ít biến động hơn so với hoạt động ngân hàng doanh nghiệp hoặc ngân hàng đầu tư. Một số ngân hàng quốc tế có thể đã mất kiên nhẫn. Một số rời đi sớm, số khác ra đi muộn hơn.

Cuối cùng, quyết định chiến lược của Deutsche Bank là trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, tập trung nhiều hơn vào thị trường Đức. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến việc rút dần khỏi mảng kinh doanh này ở châu Á. Một động thái nằm trong chiến lược này là Deutsche Bank đã mua lại Ngân hàng Bưu điện Đức.

Ông có lời khuyên nào đối với các ngân hàng nước ngoài hiện đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng Việt Nam, với ý định thay đổi chất lượng quản trị doanh nghiệp?

Ông Andreas Stoffers: Trước tiên, hãy nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng. Cần có nghiên cứu thấu đáo về văn hóa và vạch ra phương thức hoạt động kinh doanh an toàn.

Thứ hai, lắng nghe các chuyên gia Việt Nam và những nhân sự bạn có ở đây. Đừng cố gắng làm mọi thứ thông qua trụ sở chính ở đất nước quê hương bạn.

Thứ ba, ngân hàng là hoạt động kinh doanh liên quan nhiều đến con người, vì vậy hãy tuyển dụng những người giỏi. Người nước ngoài, người bản địa hay Việt kiều, ai cũng có ưu, nhược điểm. Nhưng một người không có kinh nghiệm địa phương ở lĩnh vực này - dù là người nước ngoài hay Việt kiều sống cả đời ở nước ngoài - sẽ không thể thấu hiểu các hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Bốn, cần đặc biệt chú ý đến quản lý rủi ro: quản lý rủi ro hoạt động, quản lý rủi ro thị trường, và đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng. Nhìn rộng hơn, có cả quản lý rủi ro hoạt động nguồn vốn.

Năm, ngay cả khi bạn chỉ có cổ phần thiểu số trong ngân hàng Việt Nam, bạn vẫn phải có quyền được thông tin và quyền tham gia quyết định. Chỉ tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị hàng tháng là không đủ. Phải sâu sát.

Sáu, tìm cách thiết lập một cơ chế tuân thủ hoàn hảo, vì theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở khía cạnh này. Bảy, nhất định phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, đặc biệt khi liên quan đến cổ phần tối đa theo quy định.

Cuối cùng, thị trường ngân hàng Việt Nam hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Hãy hành động ngược chu kỳ. Khi mọi người đều muốn đổ đến tham gia thị trường, lúc đó đã quá muộn.

hdbank-dec-17-1050

Một phòng giao dịch của ngân hàng HDBank. Ảnh: HDBank.

Còn lời khuyên cho các ngân hàng Việt Nam muốn phát triển tốt mối quan hệ với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài?

Ông Andreas Stoffers: Các ngân hàng Việt Nam cần mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính nước ngoài. Thị trường ngân hàng Việt Nam đã bị rúng động bởi các vụ bê bối và khủng hoảng, đặc biệt vào năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu - dù chỉ lấy con số chính thức - cũng đáng lo ngại. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu không minh bạch. Không có cơ quan đánh giá độc lập.

Các ngân hàng Việt Nam không nên làm ngơ trước những điều này, nên cố gắng đưa chuyên gia nước ngoài vào hội đồng quản trị. Ngoài kinh nghiệm, chuyên gia nước ngoài còn có mạng lưới quan hệ quốc tế.

Cần có sự cởi mở với tất cả những điểm mà tôi đã nêu ở trên trong khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo sự minh bạch, sẵn sàng thay đổi, cởi mở trong cung cấp thông tin và chia sẻ quyền ra quyết định.

Cuối cùng, hãy tuyển đúng người. Ngoài đội ngũ chuyên gia trong nước, các chuyên gia nước ngoài sẽ hữu ích. Nhiều Việt kiều được đào tạo nghiệp vụ ngân hàng xuất sắc ở châu Âu hoặc Mỹ, và tôi hiểu là họ rất vui khi được trở về quê hương làm việc nếu nhận được lời đề nghị phù hợp.

Ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là một lĩnh vực đầy hứa hẹn do quy mô thị trường và mức độ thâm nhập của dịch vụ ngân hàng cá nhân còn thấp. Tuy nhiên, ANZ đã bán mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank (Hàn Quốc) năm 2017. Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết họ sẽ hoàn tất việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam trong năm nay. Có vẻ như mảng ngân hàng bán lẻ không còn hấp dẫn trong mắt một số ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam?

Ông Andreas Stoffers: Nói chung, ngân hàng bán lẻ là một mảng kinh doanh đòi hỏi sự kiên nhẫn. Các chi nhánh, phòng giao dịch là một phần thiết yếu của lĩnh vực này. Với sự phát triển của ngân hàng số, vai trò của các chi nhánh đang giảm dần, nhưng cơ cấu chi phí và doanh thu ở mảng ngân hàng bán lẻ cơ bản rất khác với các mảng khác của ngân hàng.

Ngoài ra, có sự thiếu minh bạch ở thị trường trái phiếu và cổ phiếu như đã nói ở trên, trong khi những thiếu sót trong quản lý rủi ro và trong cơ cấu sản phẩm, dịch vụ vẫn cần được cải thiện. Các ngân hàng nước ngoài còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng bản địa.

Ông từng nói những thay đổi trong ngành ngân hàng Việt Nam những năm gần đây rất ấn tượng. Đó là những thay đổi lớn nào và động lực phía sau là gì?

Ông Andreas Stoffers: So với 12 năm trước, có nhiều thay đổi lớn trong ngành ngân hàng Việt Nam. Một mặt, kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc những năm gần đây. Theo Tổ chức Di sản Thế giới (World Heritage Foundation), Việt Nam và Ba Lan là những quốc gia cải thiện nhiều nhất về Chỉ số Tự do Kinh tế. Tất nhiên, Việt Nam vẫn là một quốc gia "tự do về kinh tế ở mức vừa phải", nhưng đang hướng đến thứ hạng cao hơn khi tiếp tục thực hiện cam kết tiến tới nền kinh tế thị trường, tự do thương mại và các chính sách tài khóa, tiền tệ lành mạnh.

Ngành ngân hàng cũng đã phát triển, nhưng theo tôi có phần tụt lại phía sau sự phát triển chung của nền kinh tế. Các lý do tôi đã đề cập ở trên. Tính minh bạch, quản lý rủi ro và các quy trình nội bộ tốt hơn so với một thập kỷ trước. Nhưng vẫn còn rất nhiều sai trái.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tính chuyên nghiệp trong ngành ngân hàng ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Có thể thấy rõ ở khía cạnh nhân sự. Nhiều giám đốc cấp cao ở các ngân hàng Việt Nam hiện là những chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này. Trong số đó, nhiều người đã học ở nước ngoài. Ngoài ra, có các chuyên gia tư vấn và quản lý là người nước ngoài.

Các động lực rất đa dạng. Có yêu cầu ở các ngân hàng nhà nước là tính chuyên nghiệp phải cao, nên thực tế tính chuyên nghiệp ở các đơn vị này cao hơn nhiều ngân hàng tư nhân. Mặt khác, hệ thống ngân hàng chạy trơn tru là một phần của nền kinh tế đang phát triển. Đây không chỉ là yêu cầu của giới kinh doanh mà còn của nhiều người tiêu dùng Việt Nam, những người yêu cầu tiền gửi phải an toàn, minh bạch và các sản phẩm ngân hàng hấp dẫn.

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và vũ trụ ảo (metaverse) sẽ thay đổi ngành ngân hàng Việt Nam như thế nào trong những năm tới, theo ông?

Ông Andreas Stoffers: Kinh doanh truyền thống kiểu có phòng giao dịch, chi nhánh chắc chắn sẽ không còn vị thế như 10 năm trước. Các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm thế thượng phong và mang lại những thay đổi cấu trúc rõ ràng.

Ở Việt Nam, trong tương lai, sẽ có ít đi các chi nhánh và thậm chí nhiều người sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Lĩnh vực fintech cũng sẽ phát triển. Các ngân hàng Việt Nam cần chuẩn bị cho sự thay đổi cơ cấu này và điều chỉnh mô hình kinh doanh.

Công nghệ chuỗi khối rõ ràng có đặc tính "thay đổi cuộc chơi". Điều này không chỉ đúng đối với lĩnh vực tiền điện tử mà còn nhiều lĩnh vực mà các ngân hàng đã đóng vai trò thiết yếu trong quá khứ, ví dụ như thương mại và hậu cần. Một số thứ như thư tín dụng sẽ phải được điều chỉnh để thích ứng.

Sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số từ các ngân hàng trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với các ngân hàng thương mại. Việt Nam sẽ không thể đứng im. Trung Quốc sắp cho ra đồng tiền kỹ thuật số. Các quốc gia phương Tây cũng sẽ không đứng im. Tôi hiểu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang làm việc tích cực ở khía cạnh này. Khi đồng tiền kỹ thuật số ra đời, nhiều ngân hàng thương mại sẽ phải tính toán lại mô hình kinh doanh cũ của mình.

Ông làm một thời gian dài trong ngành ngân hàng Việt Nam, sau đó rời Việt Nam rồi lại sớm trở lại ở vị trí là người đứng đầu tổ chức phi chính phủ của Đức Friedrich Naumann Việt Nam. Những thay đổi nào ở Việt Nam đã gây ấn tượng với ông kể từ lần đầu tiên đặt chân đến đây?

Ông Andreas Stoffers: Những thay đổi ở Việt Nam những năm gần đây có tính đột phá và rất thú vị. GDP tăng trưởng tốt ở mức 6-8% (thậm chí 2 con số ở các thành phố lớn), nhiều nhà cao tầng mọc lên làm thay đổi diện mạo các thành phố, đô thị, và cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Tính chuyên nghiệp của nhiều đối tác cũng đã nâng lên rất nhiều, dù là ở các trường đại học lớn hay trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều thú vị là tôi có thể tham gia vào xây dựng đất nước này. Đó là một cơ hội thực sự cho cá nhân tôi.

"Còn rất nhiều việc phải làm". Vậy ông muốn thấy những thay đổi nào nữa ở Việt Nam?

Ông Andreas Stoffers: Tôi muốn nhìn thấy Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa trong quãng đời còn lại của mình. Và tôi nghĩ tôi có cơ hội thấy điều đó, trên hết là cơ hội đóng góp tích cực cho mục tiêu này. Là người từng làm trong ngành ngân hàng, tôi sẽ đặc biệt vui mừng nếu việc thành lập một trung tâm tài chính ở TP.HCM trở thành hiện thực vào năm 2035.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Ngân